Bài viết của thành viên
KHOÁN ĐẤT, RỪNG ỔN ĐỊNH LÂU DÀI: Tại sao không?
Sau khi đọc bài “Dân biết & dân bàn” trên Thừa Thiên Huế cuối tuần số ra ngày 16 đến 19/8, bạn đọc Võ Văn Dự tỏ ra tâm đắc. Thấy rằng, ý tứ bài báo có đề cập đến chuyện bất cập trong quản lý, sử dụng vốn rừng, tạo kẽ hở để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tài nguyên rừng; với tinh thần trách nhiệm, bạn đọc Võ Văn Dự có bài viết gửi đến Báo Thừa Thiên Huế góp chung tiếng nói nhằm quản lý tốt hơn đất đai, tài nguyên rừng. Xin giới thiệu nội dung bài viết đến với bạn đọc.
Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Chính phủ đã vận dụng triển khai Nghị quyết 10 của Trung ương Đảng (khoá VI) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp vào phát triển sản xuất lâm nghiệp (LN). Nhiều văn bản pháp luật và chính sách toàn diện ra đời để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). Đáng lưu ý là chính sách giao và khoán đất, rừng. Có thể xem đây là chính sách “khoán 10” trong LN.
Thu hoạch rừng ở Nam Đông. Ảnh: Tuệ Ninh |
Ở tỉnh ta, bình quân 5 năm gần đây, mỗi năm khai thác và tiêu thụ khoảng 250.000m3 gỗ rừng trồng, chủ yếu là phục vụ xuất khẩu nguyên liệu giấy và mộc dân dụng. Giá trị gỗ rừng trồng khai thác chiếm tỷ lệ gần 70% tổng giá trị khai thác lâm sản. Nhờ thực hiện tốt xã hội hóa LN, tỉnh ta đã đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng khoảng 80.000 ha rừng, góp phần nâng độ che phủ của rừng lên gần 57%. Trong số đó, có khoảng 65.000 ha rừng trồng kinh tế. Rừng của các hộ gia đình chiếm 2/3 diện tích rừng trồng kinh tế đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho hàng vạn nông dân; một bộ phận không nhỏ nông dân làm trang trại rừng đã tích luỹ vốn để tái sản xuất mở rộng. Thành quả đó, ngoài nỗ lực chính của người nông dân, không thể không nói đến tác động hết sức tích cực của các chủ trương và chính sách BV&PTR, nhất là chính sách giao đất giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân.
Đối với các đơn vị LN Nhà nước (ĐVLNNN), bao gồm các công ty LN Nhà nước 1 thành viên và các ban quản lý rừng phòng hộ hiện quản lý trên 35.000 ha đất LN quy hoạch là rừng sản xuất, trong đó có khoảng 11.600 ha rừng trồng. Đây là vùng quy hoạch LN với mục đích chính là nhằm tạo ra của cải cho xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả của các ĐVLNNN chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính là rừng và đất rừng của các ĐVLNNN vẫn đang còn tình trạng “cha chung không ai khóc”. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 ban hành bản quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, LN, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước. Đến năm 2005, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh; trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp &PTNT ban hành Thông tư số 102/2006/TT-BNN, ngày 13/11/2006 Hướng dẫn một số điều của Nghị định nói trên.
Việc ban hành chính sách khoán này nhằm xác định cụ thể hơn nữa trách nhiệm và quyền hạn, nghĩa vụ và quyền lợi của người trực tiếp sử dụng đất trong các ĐVLNNN. Mục đích nhằm huy động tiềm lực của các công nhân, nhân viên LN, các hộ gia đình trên địa bàn tham gia vào quá trình sản xuất LN nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất; biến tài sản rừng thành sản phẩm chung của cả nhà nước và người lao động thông qua việc nhận khoán ổn định lâu dài (KÔĐLD), thường là 50 năm. Chính sách này khắc phục được tình trạng “cha chung không ai khóc”; đồng thời, hình thành “đứa con chung” của ĐVLNNN với người lao động. Thực hiện điều mà cha ông ta từng dạy: “Con có đẻ mới thương, của có làm mới tiếc”. Chính sách này hình thành điều kiện “cần” để thúc đẩy việc KÔĐLD.
Đặc biệt, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 về quyền hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất LN. Chính sách quan trọng này đã thực sự hình thành điều kiện “đủ” để thực hiện 2 nghị định nói trên.
Liên tục trong 17 năm qua, thông qua rất nhiều chương trình dự án về BV&PTR được triển khai trên địa bàn tỉnh ta, tạo tiền đề vật chất quan trọng để tổ chức thực hiện các chính sách tạo động lực nói trên. Đáng tiếc, từ đó đến nay, tỉnh ta hầu như chưa có ĐVLNNN nào thực hiện việc khoán theo tinh thần của Nghị định 01/CP cũng như Nghị định 135/2005/CP. Hình thức giao khoán chủ yếu ở tất cả các ĐVLNNN là khoán việc hoặc khoán theo thời vụ. Tất nhiên, vai trò của người lao động cả công nhân và nông dân tham gia vào quá trình sản xuất LN ở các đơn vị này chỉ là người làm thuê theo mùa vụ hay công đoạn; họ không quan tâm đến số phận của khu rừng hay tài sản được tạo ra trên đất. Đến nay, chưa có một cuộc khảo sát đầy đủ để so sánh về hiệu quả đầu tư LN giữa các ĐVLNNN và khu vực hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh ta. Hầu như mọi người quan tâm đến kinh doanh LN đều thừa nhận hiệu quả của khu vực hộ gia đình, cá nhân cao hơn các ĐVLNNN, cho dù người dân phải tự bỏ vốn hoặc vay vốn để đầu tư, còn các ĐVLNNN nguồn vốn là từ ngân sách Nhà nước cấp. Việc không thực hiện KÔĐLD trong LN theo chính sách nói trên, không chỉ làm hạn chế về năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng mà còn tạo sự bất ổn trong nội bộ từng ĐVLNNN (người lao động không gắn bó với rừng, với ĐVLNNN), làm hạn chế thu nhập chính đáng của người lao động và của ĐVLNNN.
Thực hiện tốt việc KÔĐLD sẽ tạo nên sản phẩm chung của ĐVLNNN và người lao động với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn nhờ cả 2 bên đều cùng quan tâm đầu tư và chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Đặc biệt, thực hiện KÔĐLD sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng có thể xẩy ra trong các ĐVLNNN trong quá trình thiết kế, định giá và mua bán, đấu giá sản phẩm rừng trồng mà lâu nay dư luận xã hội thường râm ran. Bởi vì, lúc ấy, người lao động nhận KÔĐLD là một trong 2 chủ sở hữu của khối tài sản, họ hoàn toàn có quyền tham gia bàn bạc và thực hiện trong tất cả các khâu của quá trình mua bán, đấu giá gỗ rừng một cách dân chủ, công khai. Làm được điều này sẽ trả lại đúng giá trị thực của tài sản rừng trồng trong tất cả các ĐVLNNN; thực hiện hài hoà và nâng cao lợi ích của nhà nước, ĐVLNNN, chính quyền sở tại, cộng đồng dân cư và người lao động tham gia nhận khoán.
Triển khai giải pháp KÔĐLD cho hộ gia đình, cá nhân để BV&PTR sẽ có 3 thuận: được chính sách Nhà nước quy định (thuận thời); được cán bộ, công nhân, người dân trông chờ thực hiện (thuận lòng người); được hiệu quả sử dụng đất, rừng (thuận môi trường).
Các ĐVLNNN có cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa để nâng cao hơn nữa hiệu quả BV&PTR. Vậy điều gì cản trở họ không thực hiện chính sách KÔĐLD trong LN? Mong cơ quan có trách nhiệm quản lý Nhà nước về LN tìm hiểu nguyên nhân để chỉ đạo quyết liệt việc giao KÔĐLD đất và rừng cho các hộ gia đình, người lao động trong các ĐVLNNN nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất LN, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống của những người làm nghề rừng và tích cực ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ tham nhũng trong mua bán gỗ rừng ở các ĐVLNNN.
Võ Văn Dự
(ThuaThienHue online)