Ở Thừa Thiên Huế, có 2 dân tộc thiểu số chính là Pa Cô (bao gồm Tà Ôi và Pa Hy) cư trú chủ yếu ở địa bàn huyện A Lưới và Ka Tu cư trú chủ yếu ở địa bàn huyện Nam Đông. Người Pa Cô và Ka Tu đều có tiếng nói riêng. Ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp, cụ Hồ Ngọc Mỹ, lão thành cách mạng được Đảng giao nhiệm vụ thường xuyên bám trụ tại địa bàn huyện A Lưới, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con các DTTS để tuyên truyền và vận động đồng bào DTTS giác ngộ và tích cực tham gia công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao, cụ đã tự học tiếng của đồng bào DTTS và tự nghiên cứu xây dựng bộ chữ viết tiếng DTTS bằng bộ chữ cái Latinh để dạy đồng bào học chữ của dân tộc mình, thông qua đó để tuyên truyền, vận động và làm phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Nhờ vậy, đồng bào DTTS đã từng bước sử dụng ngôn ngữ của mình bằng chữ viết để trao đổi thông tin cho nhau và làm nhiệm vụ của cách mạng giao.
Kế thừa thành quả đó, sau ngày giải phóng, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã xây dựng những bộ chữ cho đồng bào DTTS bằng bộ chữ cái Latinh, in thành những cuốn sách dạy tiếng dân tộc Pa Cô - Tà Ôi và Ka Tu để sử dụng. Tuy nhiên việc xuất bản các cuốn sách nói trên chủ yếu được sử dụng làm sách dạy tiếng nói và chữ viết cho cán bộ là người Kinh trong quá trình tham gia công tác, giảng dạy ở vùng DTTS. Người DTTS hầu như không được học chữ viết của dân tộc mình. Một bộ phận nhỏ người DTTS biết chữ viết của dân tộc mình là nhờ quá trình học chữ viết trong chiến tranh do cụ Hồ Ngọc Mỹ dạy. Một số rất ít khác biết chữ viết nhờ tự học.
Hơn 35 năm qua, kể từ ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, cùng với việc chăm lo bảo vệ và phát triển toàn diện tỉnh nhà, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế qua các nhiệm kỳ đã tập trung ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Rất nhiều chương trình, dự án cả kinh tế và xã hội của Trung ương và của tỉnh đã được đầu tư liên tục; đặc biệt là trong 15 năm gần đây. Trong quá trình phát triển đó, để giao lưu văn hoá và hợp tác phát triển kinh tế, đa số đồng bào các DTTS đã học và sử dụng tiếng Việt phổ thông để giao tiếp với người Kinh và dần dần được sử dụng để nói chuyện với chính người của dân tộc mình trong mối quan hệ và hợp tác trong cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, nguy cơ chữ viết và tiếng bản ngữ của đồng bào DTTS có thể dần dần bị mai một.
Đầu năm 2012, trong một cuộc khảo sát nhanh, người viết bài này đã cùng với một số đồng nghiệp trực tiếp phỏng vấn ngẫu nhiên có định hướng 448 người Pa Cô và Ka Tu, tuyệt đại bộ phận đều có cả bố và mẹ đều là người DTTS, bao gồm các học sinh, giáo viên ở tất cả các trường dân tộc nội trú, người dân ở 2 cụm dân cư thuộc địa bàn thị trấn và cán bộ công chức của 2 huyện Nam Đông và A Lưới thì tỷ lệ nói không thành thạo, thậm chí không biết nói tiếng của dân tộc mình hoặc không biết chữ viết của dân tộc mình là khá cao.
Nguyên nhân của tình trạng nói và viết không thành thạo tiếng dân tộc mình do thường xuyên giao tiếp với người Kinh, nên cả trong gia đình và ngoài xã hội đồng bào đều sử dụng tiếng Việt phổ thông. Ở trong trường học, không dạy tiếng nói cũng như chữ viết của người DTTS. Việc dạy tiếng nói và chữ viết của người DTTS chỉ dành cho đối tượng là người Kinh.
Kết quả khảo sát cũng đã ghi nhận, tuyệt đại bộ phận đối tượng được khảo sát đều bày tỏ nguyện vọng có trường, lớp dạy tiếng nói và chữ viết cho người DTTS, có sách học song ngữ tiếng Việt phổ thông và tiếng của đồng bào DTTS nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hoá tiếng nói và chữ viết của đồng bào DTTS không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho con cháu mai sau.
Tình trạng này, không chỉ xẩy ra ở tỉnh ta mà hầu như phổ biến đối với vùng đồng bào DTTS trong cả nước. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của người DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 03/11/2011 để hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Dựa vào chính sách của Trung ương và thông tin từ kết quả khảo sát nói trên, UBND tỉnh đã sớm có chủ trương tổ chức điều tra, khảo sát để chính thức công nhận các bộ chữ viết của đồng bào DTTS Pa Cô - Tà Ôi và Ka Tu bằng bộ chữ cái Latinh. Đây là tiền đề bắt buộc để có thể xây dựng kế hoạch dạy tiếng nói và chữ viết bản ngữ cho đồng bào của 2 dân tộc nói trên trong các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Hy vọng trong thời gian không xa, sau việc công nhận các bộ chữ của người Pa Cô và Ka Tu, kế hoạch dạy và học tiếng DTTS sẽ sớm được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hoá nói chung và tiếng nói, chữ viết nói riêng của đồng bào DTTS.
Võ Văn Dự
(TTH online)