Chính sách
A Lưới: Nâng cao đời sống cho đồng bào từ dự án mây nước
Thử nghiệm thành công
Dự án Mây Bền vững (DAMBV) thuộc tổ chức WWF triển khai tại huyện A Lưới từ năm 2009 đã hỗ trợ một số hoạt động về kỹ thuật trên thực địa tại A Lưới như đánh giá tình hình phân bổ mây ở các khu rừng tự nhiên trên địa bàn; cơ cấu và chất lượng các loại mây ở một số xã; hình thành các nhóm sở thích mây từ một số cộng đồng dân cư. Những hoạt động ban đầu có tính khởi động giúp người dân và chính quyền, các cơ quan liên quan nhận rõ hơn sự hiện diện và vai trò của DAMBV. Thông qua đó, xúc tiến các mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan. DAMBV đóng vai trò đối tác tin cậy trong việc hỗ trợ và thúc đẩy tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong việc thực hiện chỉ tiêu trồng 1.000 ha mây đã đặt ra.
Hướng dẫn cho nông dân cách làm giàu từ cây mây |
Trong khuôn khổ hợp tác giữa UBND huyện A Lưới và DAMBV, hai bên đã hợp tác thực hiện được một số việc có kết quả khả quan. Mở hai lớp tập huấn phổ biến chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre tổ chức từ đầu tháng 6-2011 dành cho 80 cán bộ quản lý và kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện; lãnh đạo các cơ quan đoàn thể và xã Hương Nguyên, nơi được chọn làm mô hình trình diễn. DAMBV đã cử tư vấn giúp xây dựng phương án và UBND huyện ra quyết định phê duyệt bổ sung cơ cấu cây mây, tre vào Dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ UBND xã Hương Nguyên xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu mây tre.
DAMBV đã phối hợp với UBND huyện xây dựng mô hình trồng mây nước ở thôn Tà Rá, xã Hương Nguyên. Mô hình đã lựa chọn 20 hộ gia đình sinh sống trong thôn, nhiệt tình, có lao động, mỗi hộ trồng 1ha. Theo quy định của chính sách 147, suất đầu tư là 3 triệu đồng/ha. UBND huyện hỗ trợ đầu tư 3 triệu đồng/ha. Như vậy, suất đầu tư hỗ trợ là 6 triệu đồng/ ha, chủ yếu là tiền cây giống, phân bón và một phần nhân công. Tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Sau 1 năm trồng, đa số cây cao từ 50 - 60 cm, cá biệt có cây cao gần 1m (Mây khi đưa đi trồng có chiều cao khoảng 15 cm).
Mô hình bước đầu đạt được mục đích và yêu cầu đề ra, trong bối cảnh cụ thể tại thôn Tà Rá. Những bài học kinh nghiệm bước đầu giúp cho xã Hương Nguyên nói riêng và toàn huyện nói chung tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn nữa kế hoạch trồng mây nước trong những năm tới.
Từ kinh nghiệm trên, năm 2013, HĐND huyện A Lưới thống nhất quyết nghị chỉ tiêu trồng 200 ha mây nước. DAMBV đã hỗ trợ huyện xây dựng kế hoạch lồng ghép để thực hiện chỉ tiêu này. Tuy nhiên, khi triển khai, các hộ dân đã tích cực tham gia và đăng ký trồng đến 297 ha. UBND huyện đã thống nhất duyệt toàn bộ đăng ký của các hộ dân. Nguồn kinh phí để trồng từ chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo QĐ 147 và ngân sách huyện hỗ trợ, bảo đảm trồng tập trung đạt suất đầu tư 5,5 triệu đồng/ha, người dân đóng góp 500 ngàn vốn đối ứng để đầu tư chi phí vật tư và chịu toàn bộ chi phí nhân công; đối với trồng phân tán, dự án 147 hỗ trợ cây giống, còn dân tự bỏ công trồng.
Diện tích trồng mây chủ yếu dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt đã được giao cho các hộ dân và cấp sổ đỏ; trên diện tích bao quanh nương rẫy, vườn của đồng bào. Ngoài kế hoạch nói trên, thông qua sự hỗ trợ của Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng sẽ trồng 50 ha mây nước, nâng tổng diện tích trồng mây của A Lưới lên 347 ha. Hiện tại, A Lưới đã chuẩn bị ươm trên 55 vạn cây mây nước tại các vườn ươm trên địa bàn.
Dự án đã có một số hoạt động thúc đẩy như: hỗ trợ tập huấn cho 80 cán bộ kỹ thuật, quản lý lâm nghiệp từ huyện đến xã trực tiếp tham gia vào các hoạt động trồng mây về phương pháp lập KH, công tác chỉ đạo và xử lý hiện trường trồng mây, xây dựng sổ tay chỉ đạo trồng mây và ươm mây. Xúc tiến kết nối và hỗ trợ mua 5 vạn cây giống mây để xây dựng các mô hình trình diễn ở tất cả các xã, thị trấn. Hỗ trợ cho các hoạt động tham quan học tập kinh nghiệm tại chỗ từ mô hình có sẵn ở xã Hương Nguyên; và sắp tới sẽ là chuyến tham quan trao đổi kinh nghiệm về trồng mây tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Công tác truyền thông chính sách và kỹ thuật thông qua phát hành tờ rơi và truyền thông trên đài truyền hình của huyện thông qua giới thiệu hoạt động khuyến lâm trồng mây, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 200 triệu đồng.
Hình thành các vùng mây tập trung
Trong tương lai gần, A Lưới sẽ hình thành các vùng trồng mây tập trung ở một số tiểu khu rừng tự nhiên quy mô ít nhất 100 ha mây (DAMBV sẽ hỗ trợ việc thu hái hạt giống mây tại chỗ để chuẩn bị khoảng 60 vạn cây mây giống cho năm 2014). Cụ thể, các tiểu khu rừng có các đặc điểm: Gần đường giao thông (để giữ cho được rừng), gần khu dân cư và sẽ phát triển sản xuất, tổ chức các hoạt động dịch vụ tổng hợp. Thực hiện ý tưởng dân ở gần rừng và sống nhờ rừng thật sự, bảo vệ rừng bền vững. Để gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, DAMBV sẽ hợp tác với huyện giúp các hộ dân hình thành các hình thức kinh tế hợp tác như hợp tác xã (HTX) hay tổ hợp tác (THT), bảo đảm các tiêu chí bình đẳng, quản lý dân chủ, cùng có lợi và hoàn toàn tự nguyện. THT/ HTX sẽ không chỉ trồng mây, và chăn nuôi mà còn hoạt động các dịch vụ cung ứng vật tư, mua bán gỗ rừng trồng và các sản phẩm khác dưới tán rừng. THT/ HTX là đại diện để liên kết, liên doanh với các thành phần kinh tế khác. Mô hình này sẽ gắn với việc hợp tác giữa người nông dân có đất rừng với những kỹ sư nông lâm nghiệp trên địa bàn (hoặc có thể ngoài địa bàn) có kiến thức nhưng chưa có việc làm hình thành THT/ HTX để phát triển sản xuất và dịch vụ nông lâm nghiệp.
Ngoài ra, A Lưới sẽ đặc biệt lưu ý “sản xuất cái gì để bảo đảm cải thiện điều kiện sống trước mắt cho người dân”. Theo đó, ngoài trồng mây, nuôi heo rẫy, gà,…, phát triển nuôi ong lấy mật là mô hình đã thực hiện thành công với hiệu quả tương đối cao, thu hồi vốn nhanh sẽ được nhân rộng trong hoạt động THT/HTX và trong từng hộ gia đình. Bên cạnh đó là các hoạt động dịch vụ cung cấp đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn.
Về nguồn vốn, ngoài chính sách trồng rừng sản xuất theo QĐ 147, ngân sách huyện hỗ trợ, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình 135, các Dự án phát triển lâm nghiệp hiện đầu tư và hỗ trợ trên địa bàn sẽ góp phần vào việc tăng cường năng lực và đóng góp đầu tư để thúc đẩy huyện sớm hình thành vùng nguyên liệu mây 1.000 ha đến năm 2015. Thông thường mây trồng sau 4-5 năm là cho thu hoạch, trồng 1 lần song có thể thu hoạch nhiều lần, ổn định lâu dài, bền vững, nếu biết khai thác hợp lý. Việc hình thành vùng nguyên liệu mây sẽ tạo tiền đề hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh mẽ phát triển các làng nghề mây tre đan; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, lao động; tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở A Lưới.