Chính sách
Nguồn lực cho quản lý và sử dụng đất rừng
Mặc dù vậy, lĩnh vực công tác này vẫn chưa có chuyển biến đáng kể trong các công ty LN, các ban quản lý rừng phòng hộ (PH) đối với khoán cũng như việc giao, cho thuê đối với rừng tự nhiên (RTN), đất quy hoạch PH. Ngược lại, việc mong muốn được giao, được thuê đất LN quy hoạch sản xuất của người dân trên địa bàn đã không thể đáp ứng.
Kiểm tra mây nước trước khi xuất vườn trồng dưới tán rừng ở A Lưới |
Động lực lợi ích
Đối với việc trồng rừng kinh tế, chính sách hưởng lợi đã đáp ứng yêu cầu động lực lợi ích. Nguyên lý sản xuất cái gì thị trường cần chứ không phải sản xuất cái gì chúng ta có đã luôn luôn đúng, khi thị trường gỗ, lâm sản đã đặt yêu cầu khách quan cho người trồng rừng là hãy cung cấp cho nó gỗ keo bất cập phân (nghĩa là không kể lớn hay nhỏ). Chuỗi giá trị gỗ keo dăm giấy đã hình thành từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ gắn với xuất nhập khẩu. Chính sách ra đời gặp “chuỗi giá trị keo” do thị trường tạo lập đã thật sự tạo được động lực mạnh mẽ, hình thành hàng vạn ha rừng keo đủ các cỡ tuổi đáp ứng thường xuyên nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy sơ chế gỗ keo. Từ chỗ thời điểm khai thác rừng keo phục vụ nguyên liệu giấy từ 7 - 8 năm, họ đã có các biện pháp kỹ thuật thích hợp để giảm xuống còn chỉ 4 - 5 năm như sử dụng máy múc để đào hố có kích cỡ 80cm x 80cm x 100 cm (quy trình chỉ là 40cm cho cả 3 chiều kích), bón lót và bón thúc phân cho rừng trồng, sử dụng giống chuẩn, trội,… Tăng trưởng sinh khối rừng keo trung bình là 15m3/ha/ năm, người dân đã tạo được 20 -25m3/ha/ năm. Câu hỏi đặt ra là tại sao người trồng rừng không để rừng keo có độ tuổi 10 -12 năm hoặc lớn hơn để khai thác gỗ lớn bán giá cao hơn so với gỗ dùng làm nguyên liệu dăm giấy? Lịch sử cho thấy, với chu kỳ dưới 10 năm thường có một cơn bão lớn uy hiếp, đây là điều kiện đặc thù thời tiết và khí hậu của các tỉnh miền Trung, khiến người trồng rừng keo không dám mạo hiểm. Đây chính là khó khăn khách quan dẫn đến người trồng rừng dễ gặp rủi ro khi kéo dài tuổi khai thác gỗ rừng trồng.
Bộ Nông nghiệp &PTNT đã ban hành Quyết định số 774/QĐ -BNN -TCLN ngày 18-4-2014 Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014 -2020, nhằm phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Theo đó, sẽ đề xuất Chính phủ ban hành một số chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác. Việc nghiên cứu thí điểm thực hiện chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn cũng được đặt ra. Tuy nhiên, các chính sách này nếu được hiện thực hóa, vẫn chỉ giải quyết vấn đề động lực có tính chất thúc đẩy, hỗ trợ từ vai trò của quản lý Nhà nước; còn động lực mang tính quyết định vẫn phải từ phía sản xuất kinh doanh trong chuỗi giá trị keo kinh doanh gỗ lớn. Chính vì vậy, nếu những doanh nghiệp chế biến gỗ keo xuất khẩu và dân dụng không đối mặt với hoàn cảnh thực tế khách quan này để giải bài toán động lực lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người trồng rừng thì không thể có nguyên liệu đầu vào cung cấp ổn định cho sản xuất. Phải chăng đáp số của nó chính là giải pháp cùng chịu trách nhiệm về những rủi ro của sản phẩm nguyên liệu đầu vào giữa doanh nghiêp và người trồng rừng, trong đó có vai trò hỗ trợ của Nhà nước.
Phải có giải pháp sử dụng đất dưới tán rừng tự nhiên
Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã giao hơn 30 ngàn ha RTN cho các nhóm hộ, các cộng đồng dân cư quản lý và hưởng lợi; khó có điều kiện vốn để đầu tư quản lý và sản xuất kinh doanh rừng. Không thể đặt yêu cầu người dân phải nghĩ đến lợi ích lâu dài, đến môi trường sinh thái trong khi chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” trước mắt vẫn đang là bài toán nan giải. Vì vậy, vấn đề đặt ra là chính sách phải thực sự tạo động lực lợi ích khuyến khích người dân. Muốn vậy, không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững RTN và rừng PH mà còn phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống của người dân trên địa bàn. Theo đó, để tạo động lực lợi ích làm cho người dân chủ động và thật sự tự nguyện nhận RTN và đất quy hoạch PH để quản lý, phát triển sản xuất phải có lợi ích cụ thể, trước mắt, có thể bảo đảm thu nhập tương đối đáp ứng yêu cầu trước mắt nhằm tiến tới lợi ích lâu dài từ chính rừng và đất mang lại. Tuy nhiên, điều kiện đủ để việc quản lý có hiệu quả vẫn là giải quyết bài toán lợi ích trước mắt, người quản lý RTN lấy gì để “đủ sống” vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng.