Ban liên lạc các nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ 1

Nguyễn Văn Xuân
Trưởng ban
Lê Minh Tính
Phó Trưởng ban
Nguyễn Hữu Cừ
Phó Trưởng ban

----------

Nhiệm kỳ 2
(1998-2005)

Lê Minh Tính
Trưởng ban
Nguyễn Hữu Cừ
Phó Trưởng ban
Hoàng Ngọc Khanh
Phó Trưởng ban
Lê Văn Minh
Ủy viên
Nguyễn Hưu Thuấn
Ủy viên
Trần Quốc Thức
Ủy viên
Hoàng Phụng
Ủy viên

----------

Nhiệm kỳ 3

Hoàng Ngọc Khanh
Trưởng ban
Lê Văn Minh
Phó Trưởng ban
Nguyễn Hữu Cừ
Phó Trưởng ban
Nguyễn Văn Xuân
Ủy viên
Trần QUốc Thức
Ủy viên
Lê Đình Thà
Ủy viên
Lê Minh Tính
Ủy viên

Dân tộc

Tái định cư: Chuyện cũ, vấn đề mới

(TTH) -

Nói đến tái định cư, thường người ta nghĩ ngay đến nhà ở và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật: điện, đường, trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sạch, thông tin... Mặc dù còn những bất cập nhất định về tiến độ, chất lượng công trình… mà nơi này, nơi khác, người dân có những ý kiến phàn nàn, song, nhìn tổng quát, tất cả các khu tái định cư (TĐC) chính trên địa bàn như TĐC bản Bồ Hòn (thuỷ điện Bình Điền), bản Phúc Lộc và Bến Ván (thuỷ lợi hồ Tả Trạch), TĐC thôn 5, xã Hồng Tiến, Hương Trà và thôn A Rom, xã Hồng Hạ, A Lưới (thuỷ điện Hương Điền), TĐC thôn thanh niên, xã Thượng Quảng, Nam Đông (Nhà máy xi măng huyện Nam Đông), TĐC thôn Kăn Sâm, xã Hồng Thượng, A Lưới (thuỷ điện A Lưới) cũng như các khu TĐC được triển khai theo Quyết định số 33/2007/QĐ –TTg dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đều bảo đảm cơ sở hạ tầng, đạt tiêu chí “ nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”.


 

Với quá trình du canh du cư của đồng bào DTTS, chúng ta dễ dàng nhận thấy, nơi ở (người Tà Ôih gọi là đung) và nơi canh tác lương thực thường gần nhau. Do tập quán sản xuất “phát, cốt, đốt, trỉa”, đất đai dần bạc màu, rửa trôi, đồng bào lại đi tìm kiếm vùng đất mới để sản xuất. Khi vùng đất canh tác xa quá, không thể đi về hằng ngày, đồng bào thường làm lán trại để sinh hoạt, nghỉ ngơi và tạm trú (người Tà Ôih gọi là xu). Cứ thế, quá trình du canh làm vùng đất canh tác mới, càng ngày càng xa nơi ở, đồng bào phải di chuyển đến nơi ở mới gần nơi sản xuất, chuyển “xu” thành “đung” mới. Do vậy, khi thực hiện các chủ trương TĐC bảo đảm tính bền vững, không chỉ chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng mà quan trọng hơn, có tính quyết định hơn là đất sản xuất ổn định cho người dân TĐC, phải xem đây là điều kiện tiên quyết.

 

Một khu Xu ở xã Nhâm xây dựng năm 2010

 

Nói đến đất sản xuất ổn định, phải chú trọng giải quyết loại đất có thể “níu chân” đồng bào định canh định cư (ĐCĐC). Trong quá khứ, việc canh tác đất nương rẫy để sản xuất lương thực, giải quyết cái ăn hằng ngày, theo tập quán lạc hậu đã dẫn đến tình trạng du canh du cư. Vì vậy, trong quá trình vận động ĐCĐC, Nhà nước ta đã hết sức chú trọng đến khai hoang đất trồng lúa nước và hướng dẫn bà con quen dần với tập quán sản xuất lúa nước. Ngoài việc giải quyết lương thực bằng con đường canh tác lúa nước là chính, Nhà nước đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi thông qua thực hiện các chương trình, dự án để đồng bào DTTS được nhận đất và trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê,... hoặc trồng rừng kinh tế. Hẳn nhiên, là còn chăn nuôi gia cầm, gia súc, trồng các loài cây khác; song có thể nói, ý tưởng phát triển lúa nước, cây công nghiệp dài ngày và trồng rừng kinh tế đã bảo đảm sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ta ổn định bền vững, “níu chân” được đồng bào các dân tộc định canh định cư (ĐCĐC) trong mấy chục năm qua.

 

Có thể đơn cử một số hộ trong rất nhiều hộ ở Nam Đông và A Lưới đã không chỉ ĐCĐC bền vững mà còn có đời sống khá giả nhờ cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng kinh tế. Hộ ông Phạm Văn Ngôi, dân tộc Ka Tu ở thôn 6, xã Thượng Long, huyện Nam Đông trồng 2,44 ha cao su từ năm 2002 và 2003, bình quân đạt 1 tấn mủ khô/ ha /năm; thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ năm. Đến nay, có hơn 2.379 hộ ở Nam Đông trồng được 2. 952 ha cao su. Hộ Ông Lý Bun, dân tộc Ka Tu, ở thôn A Rí, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới trồng 1 ha cao su từ năm 2003, đã cho thu hoạch từ năm 2011, bình quân mỗi ngày thu hoạch được khoảng 200 ngàn đồng; mới khai thác năm đầu tiên cho thu nhập từ 40 - 42 triệu đồng. Như vậy, mỗi hộ dân nếu có 1 ha cao su sẽ cho thu nhập tương đối ổn định 50 triệu đồng/ năm. Hộ Ông Quỳnh Nhật, dân tộc Tà Ôih, ở thôn A Bung, xã Nhâm, huyện A Lưới trồng 1,5 ha cà phê mỗi năm cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Hộ Ông Quỳnh Trân, dân tộc Tà Ôih, thôn A Roàng 2, xã A Roàng, huyện A Lưới, trồng 5 ha rừng keo từ năm 2006 đến năm 2011, bán cho thu nhập 180 triệu đồng. Hiện nay, huyện A Lưới, đang tiếp tục chỉ đạo dân thâm canh và trẻ hoá các vườn cà phê nông hộ và cả 2 huyện đang tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo dân trồng cao su và trồng rừng kinh tế.

 

Đáng tiếc là, bài học nói trên chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình triển khai các dự án TĐC trên địa bàn, nên kết quả chưa đựơc như mong muốn.

Đất sản xuất - vấn đề bức thiết

 

Người viết bài này có dịp đi thăm tất cả các khu TĐC nói trên, trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn các hộ đồng bào DTTS đang sống trong các khu TĐC. Câu trả lời và nguyện vọng cuối cùng của tất cả các hộ dân được tiếp xúc: “ Cái gì cũng cảm thấy tương đối hài lòng, chỉ có điều không hài lòng là thiếu đất sản xuất, mong muốn Nhà nước quan tâm giải quyết đất sản xuất để trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp dài ngày hay trồng rừng kinh tế”.

 

Trong tất cả các công trình trên địa bàn, thuỷ điện A Lưới là công trình lớn nhất về cả quy mô đầu tư lẫn mức độ ảnh hưởng đến các hộ dân. Giữa năm 2011, chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát và phỏng vấn toàn diện 974 hộ dân (chiếm tỷ lệ khoảng 75%) bị ảnh hưởng bởi thuỷ điện A Lưới. Kết quả cho thấy, đối tượng hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ khoảng trên 47%; hộ gia đình chính sách xã hội khoảng 50%, cho thấy họ rất dễ bị tổn thương về mặt tinh thần. 90% số hộ bị thu hồi toàn bộ hoặc còn rất ít đất sản xuất hằng năm (dưới mức quy định theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg); có nguy cơ mất an toàn lương thực gia đình. Khoảng 55% số hộ không có, không còn hoặc còn rất ít đất trồng cây lâu năm; có nguy cơ không còn hoặc hạn chế thu nhập tiềm năng, ảnh hưởng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững và không phát sinh hộ nghèo mới; đồng thời, thiếu cơ hội làm giàu từ sản xuất nông lâm nghiệp.

 

Về sử dụng tiền đền bù, bồi thường, tổng số tiền đã đền bù cho dân tính tới thời điểm khảo sát khoảng 180 tỷ đồng; chỉ có 15% số hộ sử dụng trên 30% số tiền đền bù đầu tư vào sản xuất. Sau 1 năm, kể từ ngày nhận tiền đền bù, có trên 84% số hộ không còn đồng nào, gần 8% còn dưới 30% số tiền được đền bù. Đáng lưu ý là, gần 29% số hộ có số tiền đền bù từ 100 triệu đồng trở lên. Hết tiền, không có đất sản xuất, thử hỏi đồng bào sẽ làm gì để sinh sống? Lại dẫn đến hệ luỵ tất yếu là phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất!

 

Thật tiếc thay, tất cả đất bị thu hồi đều được quy ra tiền và đền bù bằng tiền cùng với tài sản trên đất, thay vì dùng đất sản xuất để bồi thường đất bị thu hồi. Điều này đã làm trầm trọng thêm “căn bệnh” thiếu đất sản xuất của đồng bào bị thu hồi đất. Và tất nhiên, không còn con đường nào khác đối với người nông dân miền núi khi thiếu đất sản xuất là phá rừng trái phép.

 

Xin đơn cử, từ năm 2009 đến nay, so sánh diễn biến tài nguyên rừng tự nhiên, qua các ảnh vệ tinh chụp tháng 5/2009, tháng 7/2010, tháng 5/2011 và tháng 4/2012, chúng ta rất dễ dàng phát hiện ở các tiểu khu rừng tự nhiên huyện A Lưới mang các số hiệu 289 (xã Hồng Bắc), 295 và 296 (xã Nhâm), 301 (xã Hồng Thái), 306 (xã Hồng Thượng),… cứ mỗi tiểu khu nói trên có hàng chục ha rừng tự nhiên bị phá trái phép để làm nương rẫy. Tại xã Nhâm, có ít nhất 80 hộ dân trong xã và xã Hồng Quảng đã xây dựng các Xu gần nơi làm nương rẫy, báo hiệu bắt đầu của chuỗi du canh du cư mới.

 

Ở xã Hồng Thượng, nơi có khu TĐC tập trung (chủ yếu dành cho dân 2 xã Hồng Thái, Hồng Thượng) và xã Hồng Thái nơi bị ảnh hưởng lớn sau khi tích nước lòng hồ thuỷ điện A Lưới, do đất sản xuất dành cho 106 hộ ở khu TĐC, tuy có quy hoạch và tương đối bảo đảm về số lượng, song chất lượng đất kém, khó đáp ứng yêu cầu sản xuất lương thực, nên đầu năm 2012, tình trạng người dân phá rừng tự nhiên trái phép để làm nương rẫy tiếp tục lan rộng nghiêm trọng. Xu thế này đang ngày càng gia tăng và thật sự khó ngăn chặn.

 

Giữa năm 2011, tỉnh đã nhận ra vấn đề và chỉ đạo phải trích 50% số tiền đền bù mà các hộ dân sẽ tiếp tục được nhận theo chính sách đền bù mới để thực hiện phương án “đất đổi đất”. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương này vẫn còn lắm gian nan. Đến thời điểm này, bài toán đất sản xuất cho đồng bào TĐC thuỷ điện A Lưới vẫn chưa có lời giải trọn vẹn.

 

Ở các khu TĐC còn lại trên địa bàn, tình trạng giải quyết đất sản xuất cũng không khác gì thuỷ điện A Lưới. Thậm chí, có khu TĐC còn khó khăn hơn rất nhiều như TĐC Bến Ván, đồng bào Vân Kiều không có đất sản xuất và cũng không nhận tiền đền bù về đất, mấy năm nay vẫn đang chờ nhận đất đền bù!? Song đất sản xuất ở đâu để giải quyết cho bà con vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp!

Một vài gợi ý

 

Đất sản xuất nông nghiệp nói chung ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá. Vì vậy, ngoài việc khảo sát kỹ đất có thể trồng lúa nước để khả năng đến đâu khai hoang đến đó, cần chú trọng khảo sát các khu rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc quy hoạch rừng sản xuất do các ban quản lý rừng phòng hộ hay UBND xã quản lý để thu hồi và xây dựng phương án cải tạo rừng theo tinh thần Thông tư 99/2006/TT –BNN ngày 06/11/2006 của Bộ NN&PTNT. Trên cơ sở đó, tiến hành giao cho từng hộ để trồng rừng kinh tế và/ hoặc trồng cây công nghiệp dài ngày. Các ngành liên quan cấp tỉnh, nhất là ngành nông nghiệp &PTNT cần thật sự quan tâm với tinh thần trách nhiệm cao để phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành rà soát quỹ đất rừng sản xuất trên địa bàn để xây dựng phương án chuyển giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất; bảo đảm tất cả các hộ bị mất đất đều có đủ đất sản xuất nông lâm nghiệp. Để mỗi hộ dân mất đất có sinh kế bền vững, tối thiểu phải có 2 ha đất trồng rừng kinh tế hay 1 ha đất trồng cây công nghiệp dài ngày; mỗi hộ nói trên có tối thiểu 1.500 m2 ruộng 2 vụ hoặc 2.500 m2 ruộng 1 vụ hay 5.000 m2 đất nương rẫy ổn định; mỗi hộ có tối thiểu 500m2 đất vườn gắn với nhà ở; tuỳ điều kiện thực tế, phát huy lợi thế vùng núi, có thể giao thêm mỗi hộ dân từ 1- 5 ha rừng tự nhiên để quản lý bảo vệ và sử dụng đất dưới tán rừng trồng các loại cây chịu bóng và chăn nuôi. Như vậy, bình quân mỗi hộ nói trên hàng năm có khoảng 1.350 kg lương thực có hạt, bình quân đạt 270kg/khẩu (mỗi hộ có khoảng 5 khẩu), bảo đảm không chỉ có lương thực đủ ăn mà còn có thể dự trữ phòng trường hợp mất mùa; có đất vườn để trồng rau, cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm, gia súc, vừa cải thiện dinh dưỡng hàng ngày, vừa trao đổi, mua bán sản phẩm từ vườn phục vụ các nhu cầu sinh hoạt gia đình; có rừng trồng hay cây công nghiệp dài ngày, sản phẩm từ rừng tự nhiên để có thu nhập tiềm năng, tích luỹ vốn và tái sản xuất. Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương để cân đối tăng, giảm diện tích giữa các loại đất, theo nguyên tắc quy đổi giá trị.

 

Ở những nơi có rừng trồng kinh tế, nên giải quyết đền bù cho dân cả đất và giá trị tài sản rừng trồng trên đất. Cách làm này, vừa đáp ứng yêu cầu đền bù nhanh, kịp thời cho dân (không chờ khai thác xong rừng mới bàn giao đất), vừa giúp dân có “kho dự trữ” tiền mà không bị mất giá, thậm chí còn có lãi nhiều, nhờ rừng trồng ngày càng tăng trưởng. Đối với địa phương có rừng trồng thông nhựa, có thể giải quyết đền bù đất bằng rừng trồng thông nhựa và hướng dẫn bà con khai thác nhựa, bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài.

 

Cần lưu ý rằng, khi giao sổ đỏ công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân phải gắn với việc giải thích các quyền năng cơ bản của hộ gia đình được giao đất và cấp sổ đỏ. Theo đó, những trường hợp hộ dân được giao đất mà chưa đủ điều kiện để sử dụng đất đó có hiệu quả ngay, họ có thể dùng đất được giao để liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác, hộ khác hoặc cho thuê đất có thời hạn thích hợp. Đồng thời, để khắc phục tình trạng có hộ vì lợi ích trước mắt, chuyển quyền sử dụng đất cho người khác để lấy tiền, khi giao sổ đỏ nên ghi hẳn vào sổ “không được chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho trong thời gian 10 năm”.

 

Trong tương lai, khi thực hiện bồi thường thiệt hại về đất và tài sản trên đất cho các hộ dân để triển khai các dự án đầu tư nên có chủ trương khuyến khích đồng bào sử dụng giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi hoặc tiền bồi thường để tham gia góp vốn cùng đầu tư với nhà đầu tư; trở thành cổ đông của doanh nghiệp đầu tư. Được vậy, lợi ích của nhà đầu tư sẽ gắn liền với lợi ích của đồng bào, họ sẽ quan tâm và hợp tác chặt chẽ hơn với nhà đầu tư trong quá trình giải quyết các vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như quản lý và bảo vệ công trình trong tương lai. Một vấn đề đặt ra, khi thực hiện giải pháp này là, trong điều kiện đồng bào DTTS chưa am hiểu về luật pháp đầu tư, có thể cùng nhau uỷ quyền cho người đại diện có năng lực như lãnh đạo các đoàn thể hay chính quyền để làm đại diện cổ đông tham gia vào các quan hệ giao dịch dân sự và kinh tế.

 

Đối với việc xem xét và phê duyệt các dự án TĐC (dù tập trung hay phân tán) trong tương lai, nhất thiết phải đặt ngay vấn đề đầu tiên là đất sản xuất cho người dân ở đâu, bao nhiêu, có bảo đảm sinh kế bền vững hay không.

 

Đồng bào DTTS và miền núi, tuyệt đại bộ phận là nông dân; vì vậy, họ phải có đủ đất để sản xuất, không chỉ nhằm xoá đói giảm nghèo mà còn bảo đảm sinh kế bền vững, tiến tới xây dựng đời sống khá giả. Việc chuyển đổi ngành nghề khác, chỉ có thể thực hiện trong một vài trường hợp cá biệt. Do vậy, giải quyết vấn đề đất sản xuất cho người dân TĐC vừa là trách nhiệm, vừa là lương tâm của những người có thẩm quyền. Đồng thời, đã đến lúc đề ra yêu cầu mới khi thực hiện TĐC là, không chỉ có cơ sở hạ tầng, mà còn “điều kiện sản xuất của nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”. Làm được vậy, sẽ góp phần thúc đẩy nhanh sự nghiệp xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 

Võ Văn Dự

(TTH online)