Ban liên lạc các nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ 1

Nguyễn Văn Xuân
Trưởng ban
Lê Minh Tính
Phó Trưởng ban
Nguyễn Hữu Cừ
Phó Trưởng ban

----------

Nhiệm kỳ 2
(1998-2005)

Lê Minh Tính
Trưởng ban
Nguyễn Hữu Cừ
Phó Trưởng ban
Hoàng Ngọc Khanh
Phó Trưởng ban
Lê Văn Minh
Ủy viên
Nguyễn Hưu Thuấn
Ủy viên
Trần Quốc Thức
Ủy viên
Hoàng Phụng
Ủy viên

----------

Nhiệm kỳ 3

Hoàng Ngọc Khanh
Trưởng ban
Lê Văn Minh
Phó Trưởng ban
Nguyễn Hữu Cừ
Phó Trưởng ban
Nguyễn Văn Xuân
Ủy viên
Trần QUốc Thức
Ủy viên
Lê Đình Thà
Ủy viên
Lê Minh Tính
Ủy viên

Hồi ức

Những bài học kỷ niệm không phai

Trong quá trình học ở Trường Trung học Nông Lâm Súc và sau này là Trường Trung cấp Nông nghiệp Huế, có lẽ học sinh nào cũng có những bài học kỷ niệm với thầy cô, ngoài bài học văn hoá và chuyên môn. Đối với tôi cũng vậy, trùng trùng kỷ niệm về các bài học “đời” với nhiều thầy cô. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ra trường, tôi xin ghi lại đây một vài bài học trong rất nhiều bài học với quý thầy vốn luôn là hành trang không thể thiếu của tôi trong suốt quá trình làm việc, học tập và sinh hoạt gia đình, xã hội; tận cho đến hôm nay vẫn không phai nhạt. Tôi xin phép được lấy tên  các tiêu đề bằng chính nội dung bài học mà mình đã thu hoạch được.

PHẢI CHĂNG THẦY LUÔN TÌM KIẾM CÁI MỚI TRONG CÁI TƯỞNG CHỪNG ĐÃ CŨ!?

Vợ chồng thầy Lê Ngọc Phái

Hồi đi học tôi chơi thân với Lê Ngọc Khánh em ruột thầy Lê Ngọc Phái. Hằng ngày, chúng tôi thường học và sinh hoạt cùng nhau. Nhiều đêm, tôi đến nhà Thầy Lê Ngọc Phái nơi Khánh ở để cùng nhau học. Căn nhà gỗ 3 gian của Thầy ở trong cư xá Đống Đa cũng như mọi căn nhà 3 gian khác ở Huế về kích thước và kiến trúc, cái khác biệt cơ bản là bên trong bề bộn sách vở. Hàng đêm, Thầy thường thức rất khuya để nghiên cứu, học tập. Chúng tôi là học sinh nhưng thường học khoảng trước 11h00 đêm là mệt nhoài, lăn ra ngủ, có khi không treo cả màn, muỗi đốt đầy người. Cứ vài đêm, nhất là vào mùa thi, khoảng 1- 2h sáng, Thầy vừa cười vừa đập khẽ thức chúng tôi dậy. Chúng tôi còn ngái ngủ nhăn nhó hỏi: “Có việc chi rứa mà Thầy kêu dậy?” Thầy tiếp tục cười nói khẽ “Dậy sắp lại giường, bàn ghế”. Cũng lui tới 2 bộ bàn ghế, 1 cái giường, 1 cái tủ chứa trong 2 gian nhà nhỏ, Thầy chỉ đạo và cùng chúng tôi hoán đổi vị trí các đồ dùng nói trên, hoặc là sắp lại dọc ngang. Tưởng chỉ xảy ra một lần, không ngờ vài hôm sau, Thầy lại thức chúng tôi dậy cũng vào khoảng thời gian đó để sắp lại. Cả 3 chúng tôi vừa cười nín không phát ra tiếng để Cô Mai và 2 cháu ngủ vừa bưng bê kê lại tủ, giường, bàn ghế. Cứ thế vài ngày lại thay đổi một kiểu sắp xếp, có khi lại quay lại kiểu cũ ban đầu. Mỗi lần như thế chúng tôi lại ôm bụng nín cười.

Sau này ra trường, nhất là khi nghe tin Khánh mất, nhớ kỷ niệm này ngồi kể lại với bạn bè, tôi vô cùng khâm phục gương nghiên cứu, không ngừng học tập của Thầy. Nhờ tấm gương sáng đó mà sau này ra đời tôi thường xuyên học - đọc - nghiên cứu không ngừng nghỉ. Nhờ vậy, tôi có được một số vốn kiến thức nho nhỏ, song vẫn còn hổng nhiều và hụt rất xa, tự nhủ mình phải cố công nhiều hơn nữa.

Những lúc chạnh lòng ngồi nhớ đến Thầy, nhớ Khánh, tôi chợt nghĩ rằng có lẽ Thầy tế nhị gọi chúng tôi dậy, bày ra cách đó để tỉnh ngủ tiếp tục học ôn thi. Nhưng rồi lòng tôi lại tự hỏi “Phải chăng Thầy luôn muốn tìm cái mới trong cái tưởng chừng như đã cũ!?”Có lẽ là cả hai. Thấm hiểu sâu sắc như vậy, không chỉ tìm tòi, học hỏi ở xa, tôi thường để tâm tìm những cái hay, cái mới ngay bên cạnh mình mà tôi những tưởng rằng đã cũ để học hỏi, ứng dụng trong công việc cũng như cuộc sống, và gặt hái nhiều thành quả như ý. Mỗi lần như vậy, tâm tôi lại thầm cảm ơn Thầy và nhớ Khánh đến vô cùng.

Nhân dịp này, một lần nữa, cho tôi được bày tỏ lòng tri ân của tôi (và có lẽ của rất nhiều bạn) đối với Thầy Lê Ngọc Phái; và xin thắp một nén nhang lòng để tưởng nhớ và tiếc thương vô hạn một người bạn thân đã vĩnh viễn đi xa.

NÓI CHO NGƯỜI, NGHE CHO MÌNH

Có lẽ, tất cả học sinh chúng ta không ai là không nhớ Thầy Lê Quang Tấn, giáo viên dạy tiếng Anh, nhất là những kỷ niệm về những lần kể chuyện lịch sử, văn hoá,... Mỗi lần Thầy kể chuyện là cả lớp im lặng, lắng nghe như nuốt từng lời của Thầy, Thầy kể dài nghe không biết chán, Thầy nói ngắn lại tiếc không được nghe thêm, và... hấp dẫn hơn rất nhiều khi Thầy giảng bài. Học sinh chúng ta không ai bảo ai mỗi lần vào giờ học môn của Thầy đều tìm cách để Thầy dành chút thời gian kể chuyện. Có thể nói lối kể chuyện của Thầy hấp dẫn đến độ Thầy đã kết thúc câu chuyện rồi vẫn cứ muốn nghe nữa. Giọng Thầy khi trầm, khi bổng, có khi như thì thầm cả lớp gần như nín thở, căng tai thích thú nghe; có khi cao giọng hùng hồn ở những điểm nhấn của câu chuyện, cả lớp khoái trá, thích chí vỗ tay rào rào.

Sau này ra trường, mỗi lần bạn bè gặp nhau ôn lại kỷ niệm xưa, thời đi học, hầu như ai cũng có nhắc đến kỷ niệm Thầy Tấn kể chuyện.

Riêng tôi, trong quá trình công tác của mình có đến 25 năm làm quản lý, lãnh đạo. Thời đang trẻ, được phân công  báo cáo,  phát biểu trước đám đông, mặc dù đã được chuẩn bị khá công phu về nội dung thế mà khi đọc hoặc phát biểu vẫn có rất nhiều người không nghe, ngủ gật hoặc nói chuyện riêng. Tôi rất buồn và bực mình. Tự hỏi tại sao mình nói mà người ta không tập trung nghe? Lại nhớ đến Thầy Tấn và rồi tự hỏi tại sao Thầy nói chuyện cả lớp lại im phăng phắt, sung sướng lắng nghe, nghe rồi còn muốn nghe lại? Nhiều lần tự hỏi như thế nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời thoả mãn. Có lần định tìm Thầy để hỏi “bí kíp” nhưng chưa có duyên để gặp lại Thầy. Nhiều năm sau đó, tôi còn tiếp tục thất bại khi phát biểu trước đám đông dù người ngủ gật đã ít hơn. Tôi lại tự hỏi phải chăng mình đã có kinh nghiệm hơn nên ít người ngủ gật!?

Sau này, lớn lên thêm nữa, phát biểu được cử tọa tập trung nghe hơn, tôi mới nhận ra rằng trong lòng khi nào cũng đau đáu kỷ niệm kể chuyện của Thầy Tấn nên không biết tự bao giờ tôi đã học thuộc được bài kể chuyện của Thầy. Đó là “nói cho người, nghe cho mình”. Than ôi, trước đây, lúc nào tôi cũng phát biểu những điều tôi muốn nói mà quên đi mất rằng điều quan trọng là cử tọa muốn nghe gì!

“Vạn thế sư biểu” Khổng Tử nói rằng: Lục thập nhi nhĩ thuận. Hồi Thầy đang dạy chúng ta, Thầy ở vào khoảng tuổi 30, thế mà thầy đã “ngộ” nhi nhĩ thuận. Xét lại thấy mình còn kém quá xa, tự nhủ lòng mình cần phải khiêm tốn học hỏi nhiều hơn nữa.
Bạn có đồng tình với tôi như vậy không?

AI TA CŨNG CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC CẢ

Đối với Thầy Nguyễn Văn Vịnh có lẽ tất cả chúng ta đều dễ dàng thống nhất rằng Thầy là người rất gần gũi với học sinh, vừa là người Thầy, vừa như là người anh, người bạn.

Một số bạn học, trong đó có tôi, có duyên được làm đồng nghiệp với Thầy. Sau một thời gian giảng dạy, Thầy đã chuyển sang làm công chức lâm nghiệp ở Thừa Thiên Huế. Nhờ vậy, thầy trò chúng tôi thường xuyên gặp gỡ nhau hơn, cả trong công việc lẫn sinh hoạt.

Hồi đó, tôi công tác tại Phú Lộc. Thỉnh thoảng Thầy về kiểm tra, chỉ đạo hoặc nghiệm thu rừng. Sau công việc, thầy trò cùng uống rượu ôn lại kỷ niệm một thời nông lâm súc.
Tự tôi nhận thấy rằng trong đám học trò, tôi là một trong những đứa được Thầy thương mến và hay tâm sự. Hồi còn học cũng vậy mà sau này ra trường cũng thế, Thầy hay bày vẽ những kinh nghiệm sống.

Tôi còn nhớ, có lần Thầy về công tác tại Phú Lộc, Lê Văn Ty, Trần Như Nghiêm (làm việc cùng cơ quan với tôi) và tôi ngồi uống rượu với Thầy. Thầy thân mật nói như nói với bạn bè "Này, bay có biết, mỗi chuyến công tác về với mấy đứa bay, tau học được rất nhiều điều cả chuyên môn lẫn cuộc sống". Chúng tôi gần như đồng thanh tranh nhau nói "Thầy nói như rứa, bọn em không chấp nhận, bọn em luôn luôn là học trò, ra đời rồi còn học Thầy rất nhiều điều". Chúng tôi nói là thành thực. Thấy chúng tôi tranh nhau huyên thuyên nói, đại để xoay quanh chủ đề "tôn sư trọng đạo", Thầy nghe, trầm ngâm uống rượu, không nói gì thêm. Mãi một lúc, khi tất cả chúng tôi đều thấy mình đã nói quá đà, không hẹn tất cả đều im lặng chờ Thầy nói tiếp. Vẫn với giọng trầm ấm, chậm rãi quen thuộc như những ngày trên bục giảng, Thầy nói "Ở đời, ai ta cũng có thể học được cả, ai cũng có cái hay, có điều mình có nhận ra cái hay của họ hay không để mà học" Chúng tôi  lặng im suy tư. Thầy lại tiếp "Mấy đứa bay cũng rứa, tau học bay nhiều trong thực tế, vì tau chưa qua thực tế. Bay cũng có thể học ở người khác, kể cả lớp đàn em, những điều mà bay chưa biết, chỗ mô mình cũng học được cả, ngay cả khi ngồi nhậu, gặp "anh tiên tửu" nói lời hay ý đẹp cũng cho thu hoạch những điều bổ ích". Lúc bấy giờ, chúng tôi thích uống rượu, nên đồng thanh đề nghị "ý Thầy sáng, mời Thầy uống 100%". Thầy cười nhẹ cùng uống cạn chén. Rồi Thầy nghiêm nghị nói tiếp "Có khi mô bay nghĩ, bay là bạn của tau hay không?" Chúng tôi giật mình, không kịp trả lời vì câu hỏi quá đột ngột. Thầy tiếp tục "Hôm nay, tau đề nghị, từ nay mấy đứa bay, gọi tau là anh cho gần gũi và mang tính đồng nghiệp hơn, bạn bè hơn; đồng nghiệp bạn bè còn dễ học nhau hơn". Chúng tôi đang tìm kiếm lời để đối đáp, thì Thầy cười lớn nói "Bay đừng ích kỷ, giấu nghề, cho tau làm bạn để tau học thêm". Chúng tôi lại tranh nhau nói không chấp nhận là bạn, là anh, thầy luôn là thầy.

Sau này, lớn lên một chút, chúng tôi nghiệm ra, lời Thầy chí phải. Ở đâu, với ai, ta cũng học được cả. Chúng tôi kết bạn không chỉ với người đồng trang lứa mà cả với người lớn tuổi, với rất  nhiều người trẻ tuổi hơn và học ở họ rất nhiều điều bổ ích. Tôi lại nghiệm rằng ngày xưa người ta dùng từ Hán Việt  xưng với ai cũng có chữ "SƯ"  không chỉ với người trên  mà kể cả kẻ dưới, như gọi em là sư đệ hay sư muội, anh chị là sư huynh hay sư tỷ. Phải chăng người xưa thông qua cách xưng hô đã ngầm dạy ta rằng ai cũng có thể là thầy của ta!? Có lẽ Thầy hiểu sâu sắc điều đó nên đã "Nôm hóa" cho chúng tôi dễ hiểu.

Thầy ơi, bây giờ Thầy đã về cõi vĩnh hằng. Em nhớ ngày đó, mưa lụt lớn lắm. Khi đến viếng Thầy, nước mắt lưng tròng, bọn em thầm khấn "Thưa Thầy, xin được làm người bạn nhỏ thủy chung của Thầy".

Nhân dịp 30 năm ngày ra trường, bọn em xin ghi lại kỷ niệm này để kính cẩn thắp một nén nhang lòng tưởng nhớ đến Thầy, một người Thầy - một người Anh và là một người Bạn như sinh thời Thầy hằng mong muốn.