Kỷ niệm 35 năm ra trường
Bước ngoặt cuộc đời
BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI
Lê Đình Thà
Nhân dịp gặp mặt 35 năm, ngày ra trường của khóa II Lâm nghiệp Huế, chúng ta gặp nhau để cùng ôn lại những kỷ niệm thời học sinh, ôn lại giai đoạn thật sự khó khăn của đất nước sau ngày giải phóng. Hôm nay, trong không khí thân thương, thắm đượm tình nghĩa bè bạn, tôi viết lên đây một kỷ niệm mà tôi cho là “Bước ngoặt cả cuộc đời”
Sau các năm học trung cấp, không học sinh nào biết rồi đây ra trường được phân công đến tỉnh nào làm việc? Người này hỏi người nọ và nghe đâu nhà trường sẽ phân bổ học sinh từ Quảng Trị đến các tỉnh miền Nam.
Đúng như vậy! Ngày 18 tháng 7 năm 1979, tôi nhận được Quyết định số 1368/NN-CB/QĐ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp điều động tôi đến nhận công tác tại Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc. Thú thật trong lòng tôi rất buồn, bối cảnh lúc đó một phần thì nặng tình thương gia đình. Cụ, Mạ mình nông dân già cả, giải phóng lên chỉ còn mình và 2 em đi học, nay mình ra trường lại đi xa cha mẹ thật sự mình không đành chút nào, hơn nữa lúc đó mình lại có người yêu nay là vợ mình, bấy giờ đang học trường Sơ cấp Lâm nghiệp ở Quảng Bình (nơi thầy Vịnh, thầy Kỷ công tác) hai đứa lại có cùng chí hướng, lại cùng ngành, cùng sở nguyện ra trường sẽ tiến hành xây dựng gia đình, phần nữa là quá lo sợ khi nghe nói Đắc Lắc là vùng rừng thiên nước độc, lại không an ninh đi đâu cũng gặp Fulro, nói tóm lại là ” Thương cha, thương vợ và sợ Fulro” .
Một lần nói chuyện, tâm sự với lớp trưởng Nguyễn Hữu Cừ về những suy nghĩ, nguyện vọng của mình, Nguyễn Hữu Cừ nghe được câu chuyện của mình thì nói liền. Nếu Thà thích ở lại Bình Trị Thiên thì mình nói thằng Duy ( Phạm) nó đổi cho, vì thằng Duy cũng thích đi xa. Sau đó, Cừ gặp và nói với Duy, Duy “OK” ngay và 2 đứa gặp nhau cùng đi lên phòng Giáo vụ để gặp Cô Kinh trao đổi và đề đạt nguyện vọng. Cô Kinh nghe và đồng ý đổi ngay Quyết định xác nhận và đóng dấu đỏ vào. Cầm được Quyết định ở lại Bình Trị Thiên lòng tôi mừng không tả được và Duy cũng bằng lòng không kém và đó chính là “Bước ngoặt cuộc đời” của hai chúng tôi.
Sau đó Thà, Cừ, Duy cùng nhau về nhà mình ở quê thăm chơi, ăn uống để tiễn Duy đi vào Nam, mình chẳng có gì để tặng bạn Duy, chỉ có cái áo trắng mẹ mình mới may, mình đem tặng Duy và số tiền học bổng ít ỏi mình đổi ra tiền Nam để tặng Duy đi đường, suy nghĩ của mình là Duy đi xa chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều, Duy vui vẻ nhận, ăn uống xong chúng tôi chào chia tay, Cừ và Duy 2 đứa chở nhau bằng chiếc xe đạp dàn cọt kẹt lên lại Huế.
Từ đó chúng tôi không liên lạc với nhau, cho đến năm 1991 hay 1992 gì đó, một lần Duy đi công tác ghé nghỉ lại ở Huế có liên lạc với Cừ và Cừ lên nhà mình ở Lâm Trường Tiền Phong nói, chiều mai Thà về khách sạn Kinh Đô để gặp Duy ở Đắc Lắc ra. Mình mừng lắm! Cừ dặn mi vô đừng nói chi cả để Duy nó nhìn mi ra không? Nghe Cừ, mình không nói gì, thật sự mình cũng không nhìn ra Duy vì Duy to lớn quá, ra vẻ anh Ba Miền Nam quá! Ngồi đối diện nhau, Cừ nói thằng Thà đây Duy nì, 2 đứa bắt tay nhau mừng quá, không biết nói sao cho hết, lúc đó mình và Duy nói rất nhiều về kỷ niệm, hỏi nhau về công việc và gia đình.
Ngồi nhậu lai rai tại khách sạn Kinh Đô cho đến tối thì mình chia tay Duy để về, cho đến nay thì cũng có mấy lần gặp lại Duy, ngày gần đây nhất là Duy ra thăm Vũng Chùa nơi an tán Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi vào Huế có điện cho mình về thăm.
Bây giờ tóc đã bạc, Duy lại lập nghiệp ở miền Nam, thỉnh thoảng về Huế lại gặp nhau, lại vui vẻ và chúng tôi cho rằng những ngày đầu khi mới ra trường, chúng tôi quyết định đổi cho nhau nơi đến công tác như vậy đã thể hiện sự giúp nhau, biết chia sẻ cho nhau, chỉ có tình bạn trong sáng, không có một mưu cầu gì và đến bây giờ chúng tôi thật sự bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
Viết đến đây hai chúng tôi xin cảm ơn bạn Nguyễn Hữu Cừ là người chấp chiếc cầu nối, Cô Nguyễn Thị Kình là người quyết định. Cô và Bạn đã đọc được tâm tư, nguyện vọng trong lòng của mỗi chúng tôi, Cô và Bạn đã giúp chúng tôi thực hiện được ước nguyện lúc khởi đầu.
Tôi xin mượn mấy câu thơ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương để kết thúc bài viết này
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,
Chuyện đời như nước chảy, hoa trôi.
Lợi, Danh như bóng mây chìm, nổi.
Chỉ có tình thương để lại “Đời.”...