Lâm nghiệp
Chính sách mới về cải tạo rừng nghèo kiệt: Cơ hội giải quyết vấn đề đất sản xuất cho đồng bào miền núi
Trong những năm gần đây, sức ép giải quyết đất sản xuất cho nông dân nói chung và đồng bào miền núi nói riêng ngày càng thôi thúc, trong bối cảnh gia tăng các hoạt động phát triển công nghiệp, thuỷ điện, đô thị hoá,…
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 755/QĐ -TTg ngày 20/5/2013 về việc phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào miền núi hoàn toàn không đơn giản. Chính quyền từ huyện đến cơ sở cũng như các ngành chuyên môn cấp tỉnh loay hoay mãi vẫn không thể giải quyết dứt điểm đất sản xuất cho dân, do quỹ đất nông nghiệp không còn hoặc còn rất ít, lại khó có thể mở rộng diện tích, vì tứ bề miền núi đều “vướng” rừng tự nhiên. Tình trạng đó, dẫn đến người dân miền núi tự phát “xé rào” để tìm cách giải quyết đất sản xuất; phổ biến nhất là phá rừng trái phép theo dạng “ tằm ăn lá”, cứ phát rừng lấn dần vài mét, khó có thể phát hiện hoặc nếu phát hiện cũng xử lý rất nhẹ, do diện tích thiệt hại quá nhỏ. Tình trạng này, thoạt đầu, diễn ra đơn lẻ, cá biệt, dần dần người dân “học nhau” trở thành phổ biến ở hầu hết các xã miền núi và thật sự rất khó ngăn chặn.
Thực trạng đó, có lẽ không chỉ ở tỉnh ta mà xẩy ra ở nhiều vùng núi trong cả nước; trong bối cảnh các khu rừng tự nhiên là rừng sản xuất ở ven ruộng rẫy, ven khu dân cư thường là rừng nghèo kiệt hoặc rừng phục hồi rất chậm, chưa có trữ lượng. Loại rừng này rất khó có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh để phục hồi nhanh rừng có chất lượng. Đây là đối tượng rừng nói theo ngôn ngữ dân gian “ bỏ thì thương, vương thì nặng”. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 23/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/5/2013 Quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất. Theo đó, các khu rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng rất thấp, chất lượng kém; khả năng tăng trưởng và năng suất rừng thấp, nếu để rừng phục hồi tự nhiên sẽ không đáp ứng được yêu cầu về kinh tế, yêu cầu phòng hộ sẽ được phép cải tạo theo cách chuyển đổi rừng nghèo kiệt không còn khả năng phục hồi có hiệu quả nếu áp dụng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên bằng trồng lại cây rừng để khôi phục thành rừng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn.
Có thể khẳng định rằng đây là chìa khoá chính sách hết sức quan trọng để giải quyết căn cơ, lâu dài, bền vững việc giải quyết đất sản xuất cho nông dân miền núi nói chung và đồng bào DTTS nói riêng; tạo tiền đề hết sức quan trọng không chỉ để đồng bào thoát nghèo bền vững mà còn từng bước vươn lên làm giàu; không chỉ mở rộng diện tích đất sản xuất mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hoá ở miền núi, và hỗ trợ tích cực công tác quản lý rừng bền vững.
Điều kiện tiền đề để người dân có thể thực hiện chính sách cải tạo rừng nghèo kiệt là phải được nhà nước giao rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất, đúng tiêu chí có thể áp dụng biện pháp cải tạo; có dự án và kế hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đối chiếu với thực trạng phân loại rừng hiện nay ở tỉnh ta cho thấy rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng (phân loại theo tiêu chí Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT) có khoảng 39.460 ha thuộc quy hoạch sản xuất. Đây là đối tượng rừng có thể xem xét cải tạo để trồng rừng kinh tế có năng suất, nhằm đáp ứng các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Trong bối cảnh, đất sản xuất nông nghiệp (nghĩa hẹp) của toàn tỉnh chưa đến 60.000 ha thì chỉ cần ½ diện tích nói trên được đưa vào diện cải tạo rừng sẽ là con số rất có ý nghĩa, quyết định đến giải quyết việc làm, không chỉ thoát nghèo mà còn nâng cao đời sống căn cơ, bền vững cho nông dân miền núi.
Để tổ chức thực hiện chính sách nói trên ở tỉnh ta, trong hoàn cảnh hiện nay là vô cùng thuận lợi. Bởi vì, ngay từ năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 02/3/2010 về việc Phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng, giai đoạn từ 2010 -2014. Theo đó, trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tiến hành giao mới hoặc hoàn thiện thủ tục để giao 44.418 ha rừng tự nhiên cho các hộ, nhóm hộ hoặc cộng đồng dân cư. Trong số này, đa số là rừng tự nhiên quy hoạch là rừng sản xuất và là rừng nghèo kiệt. Đến nay, huyện A Lưới đã hoàn tất mọi thủ tục và tiến hành giao 15.690 ha rừng tự nhiên, trong đó, có 9.625 ha rừng sản xuất. Công việc giao rừng tự nhiên đang được tiếp tục triển khai đến năm 2014 để hoàn thành kế hoạch đã định nói trên.
Việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế sẽ giúp hàng ngàn hộ đồng bào DTTS có đất sản xuất, thực hiện nông lâm kết hợp để vừa góp phần giải quyết nhu cầu lương thực hay thu nhập trước mắt; vừa bảo đảm thu nhập tiềm năng nhằm nâng cao hơn nữa đời sống. Đối với công nhân, viên chức ngành lâm nghiệp hiện đang làm việc tại các đơn vị lâm nghiệp nhà nước có điều kiện quản lý rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất cũng sẽ là những đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này; đây cũng là cơ hội để giúp cho hàng trăm công nhân, viên chức ngành lâm nghiệp góp phần phát triển rừng kinh tế, xây dựng ngành lâm nghiệp vững mạnh, cải thiện và nâng cao đời sống.
Với sự quan tâm đặc biệt trong việc tổ chức thực hiện chính sách này, ông Nguyễn Hữu Lễ - Chủ tịch Câu lạc bộ lâm nghiệp tỉnh (CLBLN) cho biết, Ban chấp hành CLBLN đã thống nhất sẽ tổ chức một Hội thảo vào cuối tháng 11/2013. CLBLN sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan lâm nghiệp cấp tỉnh, UBND các huyện và các đơn vị lâm nghiệp cơ sở tiến hành tổ chức Hội thảo với chủ đề “Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa chính sách lâm nghiệp và thực tiễn”. Hội thảo này sẽ ưu tiên bàn giải pháp tổ chức thực hiện chính sách cải tạo rừng nói trên; nhằm mục tiêu mở rộng diện tích trồng rừng kinh tế với đối tượng hưởng lợi là nông dân miền núi mà trọng tâm là đồng bào DTTS và những nhân viên, công nhân lâm nghiệp đã gắn bó lâu năm với ngành. Hội thảo cũng sẽ đề cập đến các giải pháp phòng ngừa và chống các hành vi lợi dụng việc triển khai chính sách cải tạo rừng nghèo kiệt để phá trái phép rừng; đồng thời sẽ đề xuất tiến hành xây dựng mô hình thí điểm triển khai chính sách ở khu vực hộ gia đình cũng như đơn vị lâm nghiệp nhà nước dưới sự bảo trợ trách nhiệm của CLBLN, nhằm rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Hy vọng các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp và UBND các huyện miền núi sẽ quan tâm đặc biệt đến việc triển khai chính sách này; phối hợp chặt chẽ với CLBLN để chuẩn bị chu đáo nội dung cũng như các điều kiện để Hội thảo tổ chức đạt mục tiêu đề ra. Việc nhân rộng chính sách này có ý nghĩa quyết định đến giải quyết đủ đất sản xuất cho tuyệt đại bộ phận nông dân miền núi nói chung và đồng bào DTTS nói riêng, nhằm nâng cao đời sống bền vững cho một bộ phận lớn đồng bào DTTS trên địa bàn; góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Chính sách đã rõ, vấn đề còn lại là trách nhiệm và quyết tâm của chúng ta mà thôi.