Ban liên lạc các nhiệm kỳ
Suy ngẫm
Quan tâm hơn nữa việc dọn rác thải từ phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến bến Tòa Khâm
Quan tâm hơn nữa việc dọn rác thải từ phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến bến Tòa Khâm
Ngày cập nhật 05/01/2015 20:22
(TTH) - Nhân đọc bài “Huế sẽ không còn ngủ sớm” trên Báo Thừa Thiên Huế số 6239 ra ngày 27-12-2014, xin lưu tâm vấn đề xử lý rác thải từ phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến bến tòa Khâm.
Mỗi buổi sáng đi bộ tập thể dục dọc đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (gần đây, đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu đang thi công nhà rường, các hoạt động mua bán tạm dừng nên ít rác thải) kéo dài đến đường cạnh bờ sông ở bến Tòa Khâm sẽ thấy rất nhiều rác thải, bất kể đó là ngày thường hay vào dịp lễ hội; trên mặt đường chi chít dấu vết chất thải kẹo cao su nhả bừa bãi. Có lẽ người làm vệ sinh môi trường ở khu vực này thường thực hiện nhiệm vụ của mình muộn hơn hay vào giờ hành chính, nên những người tập thể dục không thấy. Tuy nhiên, hình như họ làm không xuể, vì sau đó, nếu chúng ta trở lại nơi đây, tuy mặt đường đã được dọn sạch rác, nhưng vẫn còn đó những bãi rác đủ loại dọc bãi cỏ sát bờ sông. Trước đây hầu như không có thùng đựng rác, mãi gần đây, cơ quan có trách nhiệm đã đặt vài thùng “xin cho tôi rác”, nhưng hơi nhỏ, thiết kế thấp, không thuận tiện lắm cho người muốn bỏ rác vào thùng. Và hình như công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, không được làm thường xuyên lắm, nên cơ quan quản lý không phát hiện? Chắc hẳn là do địa bàn thành phố rộng quá, nhiều điểm quan trọng hơn phải ưu tiên thường xuyên kiểm tra? Đây lại là điểm mà du khách ngoại quốc lưu trú trong những khách sạn gần bến Tòa Khâm thường từ mờ sáng đã bách bộ đến ngắm bình minh lên trên sông Hương và chụp ảnh.
Rác gây phản cảm cho người đi bộ
|
Có dịp đi đến các thành phố khác, tôi thấy hình như cách tổ chức vệ sinh môi trường của họ có khác chúng ta. Ở bãi biển hay tại một địa điểm công viên nơi thường tụ tập đông người đến vui chơi, giải trí, khi đi bộ vào buổi sáng sớm, chúng ta dễ dàng nhận thấy, từ 4h30’ sáng, người làm công việc vệ sinh môi trường qua bộ áo quần bảo hộ khác biệt đang cần mẫn quét dọn. Có lẽ, nhờ vậy khi du khách đến vui chơi, giải trí đã thấy môi trường sạch rác. Tìm hiểu vài người dân địa phương có quan tâm về vấn đề môi trường đô thị, họ cho biết, như ở bãi biển, người ta chọn người “tại chỗ” ở gần bãi biển, có sức khỏe, đang cần việc làm để hợp đồng thực hiện nhiệm vụ vệ sinh môi trường. Người tại chỗ nên họ có điều kiện thường xuyên làm việc từ rất sớm, lại có thu nhập ổn định nên họ rất tích cực. Họ còn nói thêm như là “hiến kế”, mỗi tháng, mỗi tổ dân phố nên chọn một ngày để dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi cư trú; đối với các điểm cộng cộng nên giao cho lực lượng thanh thiếu niên, sinh viên đảm trách từng khu vực. Làm như vậy để giáo dục và nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư, của sinh viên, thanh thiếu niên trong việc bảo vệ môi trường, ngăn ngừa từ trong nhận thức không xả rác bừa bãi ở nơi công cộng. Ở nhiều huyện của tỉnh ta, đã xây dựng các con đường của chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ,… Những con đường có “tên trách nhiệm” thường rất sạch sẽ và cây xanh được chăm sóc bảo vệ. Kinh nghiệm này nên nhân rộng ra, không chỉ ở nông thôn mà cả đô thị.
Nên chăng, con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kéo dài đến bến Tòa Khâm, nơi có phố đêm và các hoạt động văn hóa vào dịp tổ chức các lễ hội, ngoài công nhân vệ sinh môi trường thực hiện nhiệm vụ (nên làm từ trước 5h sáng), giao cho Đoàn Trường đại học Sư phạm Huế có hợp đồng hỗ trợ kinh phí nhất định thì quá tốt, hàng tháng, có 01 ngày (nhất là vào dịp lễ hội) do 1 chi đoàn triển khai tổng vệ sinh môi trường và thực hiện luân phiên cả năm. Việc này sẽ góp phần không chỉ giữ gìn môi trường sạch đẹp ở đây mà còn góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng và giới trẻ trong thành phố thông qua những tác động trực quan và những hình ảnh tuyên truyền không thể thiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bài, ảnh: Vinh Dung
Ban liên lạc đương nhiệm
Ảnh nổi bật