28/11/2014
Vừa nhận được thông tin từ internet những ông bà lão từng là sinh viên Cao đẳng sư phạm Nông Lâm Súc khóa I đến khóa VII của nửa thế kỷ trước ( 1963-1974 ) toan tính sẽ họp mặt tại Sài Gòn vào tháng 12- 2014. Lứa chúng tôi hầu hết đã rảnh rổi nợ áo cơm, buông bỏ gánh công danh sự nghiệp, nên hay nhớ chuyện cũ nhất là dịp cuối năm, nhóm bạn bè còn liên lạc thì ới với nhau qua điện thoại để hẹn hò cho cuộc họp trường ở một nhà hàng mang tên ĐOÀN VIÊN ở quận I gần công viên Tao Đàn, sau Dinh Thống Nhất.
Thời gian 50 năm với biết bao nhiêu biến động cuộc đời, theo Ban liên lạc lần họp mặt nầy là thứ 2 cho cả 7 khóa sinh viên, có lẽ sẽ có nhiều bạn nắm được thông tin hơn, và ai cũng mong muốn có cơ hội để đoàn viên.Đọc thông báo từ email tên gọi là HỌP MẶT CÁC KHÓA CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NÔNG LÂM SÚC SÀI GÒN, thông thường thì người ta họp lớp hoặc họp trường, tôi thấy thấm thía cái đặc biệt của trường mình: chính danh thì có tên trường, nhưng không có ngôi trường, trụ sở Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Sài Gòn tại số 9 đường Mạc Đỉnh Chi, là nơi cưu mang các sinh viên sư phạm NLS, các lớp học ké ở nhiều chỗ, lý thuyết lẫn thực hành đều lưu động cho nên cả trong lúc học sinh viên ở các lớp ít có cơ hội gặp nhau trong trường, hầu hết là dân xa nhà trọ học, chúng tôi gắn bó với nhau qua các sinh hoạt tập thể của lớp nhiều hơn. Mỗi một khóa khi ra trường được tung đi cả 4 vùng chiến thuật, đồng môn ít có điều kiện biết được tin tức của nhau. Sau 30-4-1975 thì càng tứ tán khắp nơi, trụ sở Nha học vụ NLS không còn nên chúng tôi đã chưa có cơ hội gặp lại nhau đông đủ vì cũng không còn trường cũ để về!!!
Riêng khóa VII trường Cao đẳng sư phạm Nông Lâm Súc chiêu sinh năm 1972, ngoài lớp Canh nông, Mục súc và Công thôn còn có lớp Sinh hoạt gia đình chỉ có 15 nữ sinh viên, nên chúng tôi hay gọi đùa tên khóa mình đầy đủ là Nông -Lâm Súc- Sinh; và có lẽ sau khóa chúng tôi chưa kịp chiêu sinh khóa kế tiếp, cho nên khóa VII là út chót của trường và hình như lớp SHGĐ cũng là lớp duy nhứt?!.
Theo chương trình năm thứ nhứt cả khóa cùng học chương trình khoa học cơ bản, lý thuyết, thực hành đều lưu động, cho nên lớp tôi khi thì học ở Thảo cầm viên, lúc thì vào thí nghiệm ở Đại học khoa học, Đại học Nông Lâm… học lý thuyết thường ghép lớp tùy theo môn học, lớp SHGĐ hay ghép với lớp Công thôn, có khi cả khóa học chung. Sang năm thứ hai thì đi vào chuyên khoa, lý thuyết có các môn tâm lý sư phạm, tâm lý nhi đồng, ngoại ngữ…Lớp tôi do cô Ngọc Liên phụ trách trẻ đẹp rất mode được đào tạo ở Mỹ về nhớ như cô là tiến sĩ tâm lý, có lần ngay tại lớp sau phần thuyết trình tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, cô cho chúng tôi tự chọn phân vai đóng kịch phần cao trào về mâu thuẩn trong gia đình chồng và nàng dâu, tôi vào vai bà mẹ chồng cố làm cho ra vẻ khó khăn vừa nghiến răng vừa xỉa thuốc ăn trầu, còn Sáu vào vai cô dâu Loan hiền hòa tội nghiệp, còn ai làm cô em chồng đanh đá mình quên rồi, cả lớp có một bửa cười nghiêng ngả, cô phê bình là bà già chồng làm cho dữ dằn nhưng giống đóng hài nhiều hơn, cô Loan thì hiền hòa nhưng mà cứng rắn chứ cô Sáu hiền quá… Như một người chị cô Liên cô rất gần gủi thân thương, truyền cho chúng tôi những kiến thức cơ bản về giao tiếp, về đối nhân xử thế, về thẩm mỹ quan đời sống, và cả cách làm đẹp.
Cô Nữ phụ trách các môn học nữ công gia chánh, chúng tôi tới học ở nhà cô giáo, cô cho đi thực hành ở nhà hàng, thông qua mối quan hệ của cô giáo mà chúng tôi thường đi tham quan thực hành ở những nhà hàng sang trọng thời đó như Continental, Majectic, Hoàng Gia… ở nhà hàng Majectic trong một lần thực tập tôi được tham gia vào nhóm làm bánh cưới 7 tầng cho đám cưới của nữ tài tử điện ảnh Thẩm Thúy Hằng và ông Nguyễn Trọng Oánh, rồi đi học cách nuôi dạy con nít ở các trường mầm non quốc tế hay ở các Hội dục anh ( nơi nuôi trẻ mồ côi) …học vẻ, thêu thùa, đan móc, cắm hoa… ở các trung tâm…và cô còn kết hợp tổ chức triển lãm mi ni giới thiệu những sản phẩm chúng tôi làm ra… Bây giờ nhớ lại, kiến thức chuyên môn của một thời sư phạm của tôi tuy không có cơ hội thực hành giảng dạy trực tiếp vì sau biến động thời cuộc 30-4-1975, hệ thống trường trung học nông lâm súc không còn, tôi vẫn được đi dạy nhưng mà phải chuyển qua dạy văn rồi làm quản lý, nhưng những kiến thức cơ bản ấy với tôi vô cùng quý giá cho bài học làm người trong cả cuộc đời, có phải rằng nhờ vốn kiến thức đa đoan như thế mà tôi đã có thể cân bằng quan hệ đối xử, làm tốt được những đa đoan trong công việc cũng như cuộc sống của mình.!
Thế mà 40 năm rồi, tháng 12-1974 khóa VII tốt nghiệp, còn nhớ lúc đó ngay trong ngày chọn nhiệm sở chúng tôi lấy bản đồ nửa chữ S đo độ dài bằng gang tay để ước lượng khoảng cách xa gần tính từ Sài Gòn đối với những địa danh trong danh sách nhiệm sở có nghe tên mà chưa từng được đến và nhất là xem đó có phải là vùng chiến sự ác liệt hay không, cứ theo thứ hạng mà giành các địa danh rồi chọc phá nhau, như đùa như thật; dù muốn dù không, như một sự chẳng đặng đừng, vẫn phải chọn lấy một nơi gọi là nhiệm sở, sự vô tư đơn giản của tuổi trẻ, nhưng lại là số phận của mỗi người chúng tôi. Hồi đó trước khi nhập học và khi ra trường sinh viên đã phải nộp một bản cam kết: phục vụ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt nam cộng hòa nếu không tuân thủ phải chịu bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo rất lớn và không sẽ còn cơ hội làm công chức. Cái cách cho sinh viên chọn nhiệm sở căn cứ vào kết quả học tập, danh sách nhiệm sở được công bố trước 24 giờ, ghi rõ số lượng nhu cầu ở mỗi trường, đến giờ thì gọi sinh viên theo thứ hạng, đã chọn thì không được thay đổi, tuy nhiên nếu giữa sinh viên đồng ý hoán đổi cho nhau thì cùng làm đơn gửi liền trong ngày sẽ được chấp thuận. Trong danh sách phần lớn là những nơi rất xa và lạ, thực ra những chỗ tốt đã được giải quyết cho các trường hợp có ưu tiên thuyên chuyển, sau nầy cô tôi nói cho tôi biết như thế. Hôm ấy ở lớp Công thôn bạn Mỹ Huy hạng 5 được gọi tên nhưng vắng mặt, người hạng 6 là bạn Bồ Văn Nguyệt chọn nhiệm sở Đà Lạt, là nơi mà Huy dự định sẽ chọn, cuối buổi Huy giận, bạn bè xúm nhau giải thích hòa giải. Ngày chọn nhiệm sở cũng là ngày họp mặt cuối cùng của lớp nhưng ai cũng lo lắng về cái nơi mà mình sẽ phải để bắt đầu một công việc mới nên không ai quan tâm lưu luyến chuyện họp tan. Ai mà biết cũng từ ngày chúng tôi chọn vận mệnh cho mình, sự trục trặc nhỏ của Huy và Nguyệt khi ấy lại là bạn Nguyệt đã chọn lấy số mệnh ngắn ngủi của mình, bởi vì chỉ hơn hai tháng sau đó trên đường chạy loạn Nguyệt đã bị chết đuối ở biển Phan Thiết. Còn nữa bao nhiêu số phận thăng trầm của 110 bạn cùng khóa của tôi từ sự lựa chọn ngày ấy có 2/3 nhiệm sở ở vùng ngoài và Tây nguyên đều trãi qua cuộc trốn chạy chiến tranh mang tên là di tản chiến thuật kể từ tháng 3/1975. Gắn liền với cuộc chính biến kết thúc chiến tranh lịch sử của đất nước 30-4-1975. Mãi sau nầy gặp lại, kể nhau nghe, dần dần tổng kết: khóa chúng tôi số biết tin thì gần 1/3 bạn định cư nước ngoài, vẫn còn nhiều lắm bạn vắng tin nhau……
Giờ đây, có lẽ các bạn các khóa biết thông tin về cuộc họp mặt sắp tới đều mong muốn cuộc trùng phùng đông vui, làm sao để thông tin nầy đến được hết các bạn nhỉ.
Bài viết nầy cũng là một cách thông tin, mong như vậy, hẹn cuộc gặp nhau.!
PHAN THỊ THÚY TRUYỂN.
KHÓA VII CĐSP -NLS- SG