Ban liên lạc các nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ 1

Nguyễn Văn Xuân
Trưởng ban
Lê Minh Tính
Phó Trưởng ban
Nguyễn Hữu Cừ
Phó Trưởng ban

----------

Nhiệm kỳ 2
(1998-2005)

Lê Minh Tính
Trưởng ban
Nguyễn Hữu Cừ
Phó Trưởng ban
Hoàng Ngọc Khanh
Phó Trưởng ban
Lê Văn Minh
Ủy viên
Nguyễn Hưu Thuấn
Ủy viên
Trần Quốc Thức
Ủy viên
Hoàng Phụng
Ủy viên

----------

Nhiệm kỳ 3

Hoàng Ngọc Khanh
Trưởng ban
Lê Văn Minh
Phó Trưởng ban
Nguyễn Hữu Cừ
Phó Trưởng ban
Nguyễn Văn Xuân
Ủy viên
Trần QUốc Thức
Ủy viên
Lê Đình Thà
Ủy viên
Lê Minh Tính
Ủy viên

Thầy cô

Những năm tháng dạy học của tôi tại Huế

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Sư phạm sau Đại học ở Sài Gòn, tôi chọn về làm việc tại trường Trung học Nông Lâm Súc Huế để được ở với gia đình. Lúc bấy giờ con trai đầu lòng của tôi, Lê Ngọc Thế Phiệt, đã 2 tuổi và vợ tôi, Nguyễn Thị Tuyết Mai, giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Huế đã 3 năm.

Mới về trường, tôi đã được cử làm Tổng Giám canh, thay thế thầy Tôn Thất Đồng vào làm Hiệu trưởng trường Trung học Nông Lâm Súc Khánh Hòa. Hiệu trưởng nhà trường thời ấy là thầy Tôn Thất Phùng, thay thế thầy Nguyễn Văn Hạnh mới đổi vào Bình Dương mấy tháng, còn Giám học là thầy Võ Lượng nhưng ba bốn tháng sau thầy Lượng chuyển vào Quảng Nam Đà Nẵng và thầy Huỳnh Diên Cung lên thay thế. Ba người phụ tá của tôi là thầy Đặng Tẻo quản lý nông xưởng, thầy Phan Chương quản lý dụng cụ thiết bị thực hành Công thôn - Thủy lâm và thầy Hố Tấn Thủ quản lý nông trại. Thầy Võ Lượng, cô Hồ Thị Bích Thoa và cô Nguyễn Thị Ngọc Oanh đều tốt nghiệp kỹ sư cùng khóa với tôi nhưng đã về dạy tại Huế trước tôi.

Trong trường lúc bấy giờ có 5 ban: Canh nông, Chăn nuôi - Thú y, Thủy lâm, Công thôn và Khoa học cơ bản. Mỗi ban chuyên môn có các lớp từ 10 đến 12. Riêng ban Canh nông còn đào tạo thêm lớp Kiểm sự, nghĩa là học sinh được học thêm chuyên môn 2 năm sau khi đỗ tú tài Nông Lâm Súc. Tôi giảng dạy môn chuyên môn cho học sinh hai ban Công thôn, Thủy lâm và môn Phương pháp thí nghiệm cho lớp Kiểm sự canh nông, ngoài ra còn dạy thêm môn Anh văn cho một số lớp ở ban Canh nông. Bên cạnh công việc tại trường, tôi dành thời gian để học Anh văn ở trường Văn khoa, học Cao học Thống kê và tham gia giảng dạy môn Phương pháp thí nghiệm cho lớp Nông nghiệp ứng dụng ở trường Khoa học.

Tôi vẫn còn nhớ rõ tên tuổi và tính cách của nhiều thầy cô ở trong trường, nhất là bộ phận Khoa học cơ bản như thầy Lê Công Thưởng và thầy Bách dạy Toán, thầy Lê Quang Liêm và thầy Hối dạy Lý Hóa, thầy Trần Xuân Lộc và thầy Đỗ Xuân Cẩm dạy Vạn vật, thầy Lê Quang Tấn dạy Anh văn, cô Mừng và cô Mai Thị Liên dạy Quốc văn. Còn nhiều thầy cô khác nữa mà tôi không thể nào kể hết, mong quý thầy cô thông cảm. 

*      *

*

Năm 1975, đất nước thống nhất, trường Trung học Nông Lâm Súc Huế là một trong những trường có nhiều đổi thay. Trước hết tên trường đổi thành trường Trung học Nông Nghiệp Huế. Ban điều hành trường bấy giờ là các anh chị từ ngoài Bắc vào, thầy Ưng Định (Hiệu trưởng), thầy Cầu (Hiệu phó), cô Nguyễn Thị Kinh (Bí thư Đảng ủy trường Kiêm hiệu phó), thầy Thạo (Tổ chức), thầy Nguyễn Thanh Thự (Giáo vụ), chỉ có một người cũ duy nhất nằm trong ban điều hành làm ở phòng hành chính là thầy Nguyễn Hữu Thỉnh. Sau mấy tuần học chính trị vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 1975, tôi được cử tham gia nghiên cứu thổ nhưỡng với các cán bộ giảng dạy và sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội do tiến sĩ Ngô Văn Phụ làm trưởng đoàn, tại Thủy Phương, Hương Thủy, Thừa Thiên. Rồi đến lượt đi diệt trừ sâu rầy, đặc biệt là rầy nâu, xảy ra trầm trọng tại huyện Phong Điền.

Khi năm học mới bắt đầu, trường có 4 ban chuyên môn: Trồng trọt (Trưởng ban là cô Mai Thị Bích Hồng), Chăn nuôi (Trưởng ban là thầy Sửu), Kinh tế (Trưởng ban là thầy Tuấn), Lâm nghiệp do ban Công thôn và Thủy lâm nhập chung (Tôi phụ trách), và 2 tổ: Khoa học cơ bản (Tổ trưởng là thầy Trần Xuân Lộc) và Chính trị (Tổ trưởng là thầy Quang).

Đặc biệt ban Lâm nghiệp gồm toàn các thầy giáo cũ: thầy Nguyễn Văn An, Phan Chương, Hồ Văn Côi, Trần Cương, Nguyễn Văn Kỹ, Trương Miêu, Lê Kim Mới, Nguyễn Quang Phu, Nguyễn Văn Vịnh và tôi.  Thầy Tẻo đã chuyển ra ty Nông nghiệp. Một thời gian sau có thêm cô Phan Thị Lan đổi về cùng phụ trách ban Lâm nghiệp với tôi. Vào khoảng thời gian này, thầy Mới bị tử nạn do sơ suất khi đốn cây trong vườn làm cho mọi người vô cùng thương tiếc. Ngoài ra, chúng tôi còn mời thêm thầy Liễn và thầy Phong ở Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên dạy môn Kinh tế cho học sinh Lâm nghiệp. Học sinh ban Lâm nghiệp có 2 khóa, khóa 1 có 2 lớp: lớp L1A (lớp trưởng là Lê Bá Đức) và L1B (lớp trưởng là Trần Văn Nguyện), khóa 2 có 3 lớp: Lớp L2A (lớp trưởng là Nguyễn Xuân Ninh), L2B (lớp trưởng là Nguyễn Hữu Đãi) và L2C (lớp trưởng là Nguyễn Văn Cừ).  Ngoài việc dạy các môn Lâm học, Đất, Cây rừng… cho học sinh ban Lâm nghiệp, tôi còn dạy môn Phương pháp thí nghiệm và Thống kê sinh học cho tất cả các lớp thuộc ban Lâm nghiệp, Chăn nuôi và Trồng trọt. Cũng vì vậy mà bây giờ hầu hết học sinh đều biết tôi.

Trường lúc này mới được cấp đất mở thêm trại thực tập và sản xuất nông nghiệp ở thôn Lại Bằng, xã Hương Bằng, huyện Hương Điền cách trường gần 20km về phía tây bắc. Thầy Miêu, Phu, Ngô Thuận, và tôi là những người phụ trách chỉ đạo xây dựng trang trại. Học sinh các ban trong trường đều tham gia xây dựng trại. Khi xây xong trại, thầy Phu được chuyển qua phòng kế hoạch của trường, thầy Miêu được tạm thời phụ trách trại.

Học sinh lâm nghiệp lớp nào cũng trải qua những ngày thực tập tại trại, mỗi năm học, lên trại mấy đợt để trồng cây, chăm sóc cây (làm cỏ, tỉa cành, tạo tán) hoặc có khi phải tham gia thu hoạch nông sản phẩm.

Tôi nhớ mãi những tháng ngày “cùng ăn, cùng ở và cùng làm” với học sinh lâm nghiệp tại trại Hương Bằng. Đó là những tháng ngày đời sống rất cực khổ mà làm việc thì quá ư vất vả. Bo bo, bột mì còn thiếu huống chi là gạo tẻ, gạo nếp. Nhưng thầy trò chúng tôi bao giờ cũng no nê nhờ rau ráng và khoai sắn là những món đặc sản của Lại Bằng và luôn vui vẻ “yêu người yêu đời” bên nhau!

Có lần đưa học sinh lớp L2 lên trồng cây ở trại Hương Bằng, gặp mưa lũ lớn, tôi và học sinh phải đi bộ từ trại Hương Bằng về trường vì xe ca lên đón không được.
Tôi cũng không bao giờ quên được những đợt đưa học sinh đi thực tập ở Nam Đông, Hải Vân, Cầu Hai (Phú Lộc). Những ngày hướng dẫn học sinh thực tập ở vườn ươm của sư Hiền tại An Lăng Huế, tôi đã bị té gãy cánh tay phải trong buổi tối đi kiểm tra học sinh thực tập do bậc thềm ở chùa khá cao. Những đêm ở lại với học sinh tại lâm trường Gio Cam, có anh Thông rồi anh Sinh làm giám đốc. Những ngày ở Quán Ngang với những vườn ươm phi lao, rừng trồng đất cát biển. Những ngày đến kiểm tra học sinh thực tập ở trại thí nghiệm giống lâm nghiệp Đông Hà do anh Tý, anh Long điều hành. 

Gần 5 năm chúng tôi lăn lộn, lên rừng xuống biển với học sinh lâm nghiệp khóa 1 và khóa 2, trong khi đời sống kinh tế gia đình của thầy trò và xã hội thời bấy giờ thì vô vàn khó khăn, nhưng do yêu nghề yêu học sinh tôi đã thầm lặng vượt qua tất cả để có một cuộc sống bình yên.

*       *

*

Thế rồi các lớp Lâm nghiệp khóa 1 và 2 lần lượt tốt nghiệp trong những năm 1978 và 1979. Năm 1980, thầy Nguyễn Tâm Đài về làm hiệu trưởng thay thế thầy Định chuyển vào công tác ở Sài Gòn. Học sinh Lâm nghiệp khóa 2 ra trường rồi, ban Lâm nghiệp ngừng tuyển sinh và không còn lớp Lâm nghiệp nào nữa, không khí ban Lâm nghiệp trở nên lặng lẽ, trống vắng. Nhân sự ban Lâm nghiệp cũng ít dần. Thầy Côi vào Sài Gòn sinh sống, thầy An và thầy Cương lần lượt nghỉ dạy, thầy Kỷ và thầy Vịnh đổi đi cơ quan khác, còn lại, cô Lan, thầy Chương và tôi được nhập vào ban Trồng trọt. Tôi vẫn tiếp tục dạy môn Phương pháp thí nghiệm và Thống kê sinh học cho học sinh các lớp trồng trọt và chăn nuôi. Vài tháng sau, thầy Nguyễn Khắc Khuê - Phó ban Trồng trọt sang làm Trưởng phòng Giáo vụ - Khoa học thay thầy Thự đi học ở Hà Nội. Thầy Lê Văn Tả và tôi đều được cử phụ trách Phó ban Trồng trọt. Không lâu sau đó trường được chuyển thành trường Cao đẳng. Các ban chuyên môn của trường đều trở thành khoa. Tôi làm Phó khoa Trồng trọt mấy tháng thì chuyển qua làm Phó phòng Giáo vụ - Khoa học.

Khoảng năm 1983-1984, trường Đại học Nông nghiệp II từ Hà Bắc chuyển nhập vào nên trường có tên mới là trường Đại học Nông nghiệp II Huế. Thầy Hoàng Đức Phương làm Hiệu trưởng. Thầy Đài chuyển qua làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học của tỉnh Thừa Thiên. Phòng Khoa học được thành lập do thầy Trần Xuân Lạc làm trưởng phòng. Bộ phận thư viện và phòng thí nghiệm trung tâm trực thuộc phòng Khoa học và tôi được chuyển về làm việc ở phòng này.

Thế nhưng không lâu nhân sự trong ban Giám hiệu cũng thay đổi. GS. Võ Hùng thay thế GS. Phương trong chức vụ hiệu trưởng, GS. Phương về làm trưởng bộ môn Cây công nghiệp của khoa Trồng trọt… Bộ môn Lâm nghiệp được thành lập trực thuộc ban Giám hiệu và tôi được cử làm trưởng bộ môn.

*         *

*

Sau một thời gian hoạt động bộ môn Lâm nghiệp đã tuyển sinh được mấy khóa: 21, 22 rồi  23 (nối tiếp các khóa của Nông Nghiệp II Hà Bắc)… Nhiệm vụ của chúng tôi là phải lo củng cố, tổ chức và tăng cường đội ngũ giảng viên và nhân viên phòng thí nghiệm lâm nghiệp. Giảng viên trong bộ môn có thầy Cuộc, thầy Dũng (Điều tra rừng), thầy Dũng (Kinh tế), cô Duyên, thầy Dương, thầy Đạt, thầy Đức, thầy Hải, thầy Kiệt, cô Lan, thầy Lợi, cô Lý, cô Ngọc, thầy Niêm, cô Phương, cô Sen, thầy Thủy, thầy Thự, thầy Thực, thầy Tình, thầy Tuân và thầy Vĩnh. Nhân viên kỹ thuật của bộ môn có: thầy Chương, chị Lan (phu nhân của thầy Phương), chị Tự (phu nhân của thầy Văn ở khoa Chăn nuôi) và cô Vinh. Giảng viên thỉnh giảng gồm có thầy Banh, thầy Diễn, thầy Hỷ ở Sở Lâm nghiệp, thầy Liêm ở trường Cao đẳng Sư phạm và thầy Phú ở trường Đại học Tổng hợp Huế. Sinh viên được gửi đi thực tập nhiều nơi trong tỉnh Thừa Thiên, trạm thí nghiệp Lâm nghiệp Đông Hà, Lâm trường Gio Cam, Cồn Tiên và Rú Lĩnh (rừng nguyên sinh ở Vĩnh Linh).

Trong thời gian này tôi có tham gia giảng dạy môn Lâm nghiệp tại trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Sư phạm Huế, môn Phương pháp thí nghiệm và Thống kê sinh học tại các trạm Đại học tại chức do trường đảm trách ở Vinh, Quảng Nam, Bình Định và Nha Trang, làm chủ trì đề tài ứng dụng trồng cây So đũa và trồng Mít tại vùng đồi Hương Bằng và Cồn Tiên Quảng Trị, tham gia đề tài sử dụng vùng sinh thái Sa-van Phú Lộc do thầy Đối trưởng khoa Sinh trường Đại học Sư phạm Huế làm chủ trì. Ngoài giờ làm việc ở trường, tôi học thêm Anh văn ở trường Đại học Sư phạm Huế và đã tốt nghiệp cử nhân năm 1992 (lúc này tôi đã 49 tuổi).

Những nổ lực và cống hiến của tôi trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đơn vị trong thời gian gần 15 năm đã được nhà trường đánh giá cao và ngày 23 tháng 10 năm 1990, tôi nhận quyết định của Bộ Giáo dục công nhận chức danh giảng viên chính cùng với 12 cán bộ giảng dạy khác trong đợt đầu tiên tại trường Đại học Nông nghiệp Huế. Đó là dấu ấn và kỷ niệm sâu sắc của  đời tôi trong nghề dạy học.

Năm 1991, bộ môn Lâm nghiệp đã có đủ 4 khóa 21, 22, 23 và 24.  Khi các sinh viên khóa đầu tiên của bộ môn chuẩn bị làm lễ tốt nghiệp kỹ sư thì dự án thành lập khoa Lâm nghiệp do tôi chủ trì soạn thảo với sự tham gia của bộ môn và nhất là thầy Đạt thư ký bộ môn, thầy Thự, cô Lan là những cán bộ giảng dạy lâu năm trong bộ môn, cũng vừa được bộ duyệt. Cả trường và hơn ai hết là thầy trò lâm nghiệp lòng tràn ngập niềm vui khi được tin khoa Lâm nghiệp thành lập và trường Đại học nông nghiệp II Huế sắp đổi thành trường Đại học Nông Lâm Huế. Thế là, khoa Lâm nghiệp ra đời cuối năm học 1991- 1992, thầy Thự làm trưởng khoa với đội ngũ cán bộ giảng dạy đại đa số là người trẻ, hứa hẹn đầy triển vọng trong tương lai.

*      *

*

Mùa hè năm 1992, tôi và vợ tôi vào thăm gia đình ở Sài Gòn, khi đó hai con gái của tôi cũng vừa vào học tại trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi xét thấy nên chuyển vào Nam để tiện lợi cho việc học và tương lai các con. Chuyến đi đó đã đưa gia đình tôi đến với miền Nam rất chóng vánh. Đầu năm học 1992-1993, tôi đã được GSTS. Võ Hùng, hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp II ký quyết định số 233-TCHC/QĐ ngày 26 tháng 9 năm 1992 cho nghỉ dạy theo nguyện vọng. Thế là 10 giờ ngày 26 tháng 10 năm 1992, vợ và các con tôi tiễn tôi lên tàu đến một nơi mới làm công việc mới.

Ngồi trên tàu, tôi nghĩ lan man về những năm tháng dạy học của mình. Nhớ buổi dạy cuối cùng mà các thầy gọi đùa là “giờ bay cuối cùng” của tôi sao thấy lòng nao nao buồn da diết. Nhớ buổi nhậu chia tay với thầy Đức… sau “giờ bay cuối cùng”, rồi trên đường về nhà, xe tôi hết xăng, hai anh em phải dẫn đi bộ trong đêm khuya vì không ai còn một xu dính túi. Nhớ đến các sinh viên khóa 21, 22 và 23 quấn quýt bên tôi trong mấy ngày qua khi biết nay mai tôi sẽ nghỉ dạy ở trường, nhất là đôi bạn Tuyền - Liễu rất gần gũi tôi trong những ngày thực tập ở Đông Hà. Nhớ thầy Thự, thầy Đạt và thầy Mai Văn Phô trong đêm ngủ lại Rú Lĩnh. Nhớ thầy Cuộc, thầy Kiệt, thầy Tình, thầy Tuân với những lần “họp mặt” ở nhà thầy Cuộc sau giờ dạy. Nhớ thầy Phương giống như thầy Định lúc nào cũng có vẻ khoan thai, điềm đạm, rất lịch thiệp - ai cũng mến thương! Nhớ cô Kinh, thầy Đài lúc nào cũng mau chóng, nhanh nhẹn - cũng hay! Nhớ những ngày làm việc với thầy Khuê ở phòng Giáo vụ - Khoa học có khi to tiếng với nhau -  cũng vui! Nhớ những thầy cô giáo ở khoa Trồng trọt thời cao đẳng: cô Hồng, cô Thảo, cô Lách, cô Cách, cô An, cô Lan, thầy Tả, thầy Lâm, thầy Bình…và những chị em công nhân viên như chị Đào, chị Lương… là những người rất bao dung và tử tế. Nhớ những giờ giải lao ngồi uống trà nói chuyện tâm tình ở nhà thầy Long, thầy Tả, thầy Văn. Nhớ bác Thanh, bác Mỹ phòng y tế lúc nào cũng cởi mở, tươi vui, đã từng chăm sóc tôi lúc bị ốm đau. Nhớ thầy Phu trong đêm ngồi ngắm trăng kể chuyện tình yêu với Hoàng cho tôi nghe ở đồi Vọng Cảnh. Nhớ thầy Thuận,Trình và Sở những ngày cuối tuần ra Thương Bạc uống cà phê thả hồn theo sông nước hoặc những lần đi công tác ở Hương Bằng và Khe Tre ngồi cuốn thuốc lá với nhau và những khi không còn thuốc thì dùng lá trà để hút hay đi “bắt dế”. Vui quá!

Cứ thế, tôi miên man với kỷ niệm, với học trò đang học và đã ra trường. Nhớ Khánh em trai tôi và những bạn thân của Khánh trong khóa 2 như Võ Văn Dự, Lê Văn Minh, Phan Phiến, Nguyễn An, Trương Lê Hữu Nam, Đặng Văn Hoài… Nghĩ đến Khánh, tôi luôn thấy ân hận trong lòng vì tôi đã không đứng ra lo cho em mình một chỗ làm tốt ở gần quê nhà. Nhưng biết làm sao hơn trong cái thời buổi quá khó khăn của những năm đầu sau ngày 30.4.1975. Phải chăng mỗi người đều có một phận số đã an bài. Khánh ơi, anh cầu cho em mãi được yên vui nơi chín suối.

Nhớ Thảo, người học trò cũ mà cũng là thầy giáo dạy môn tiếng Anh báo chí cho tôi ở trường ĐHSP. Một kỷ niệm khó quên đối với tôi là nhân ngày 20.11.1991, lớp tiếng Anh của tôi tặng hoa chúc mừng thầy giáo Thảo. Thảo nhận hoa, nói lời cám ơn rồi mang hoa đến tặng lại cho tôi, người thầy cũ của Thảo. Nhớ Trần Kỳ Đồng lớp C2 rất giỏi môn Thống kê sinh vật nhưng bài kiểm tra tính sai đáp số nên đã bị điểm 0, bây giờ đã là giáo sư tiến sĩ của một trường đại học ở  TP HCM. Nhớ Trần Tôn lớp T4 tôi đã bắt thức trắng đêm để sửa báo cáo thực tập tốt nghiệp. Nhớ Khổng Trung lớp L2 đang công tác ở Diên Sanh mà mỗi lần về thăm quê, tôi đều ghé vào nghỉ chân chuyện trò. Nhớ Hoàng Tấn Trung lớp L1 đồng hương với tôi, nhà nghèo nhưng học rất giỏi, tốt nghiệp thủ khoa khóa 1. Nhớ Hồng Trọng Tuấn L2, Lê Anh Thọ T1, Bá Ngọc T1 và Quang Ngọc L1 có giọng ca rất truyền cảm. Nhớ quán Hạ Trắng ở đường Nhật Lệ trong buổi trưa chia tay với mấy học sinh đi nghĩa vụ quân sự tôi đã mất chiếc xe đạp giàn màu đen… Nhớ Huỳnh Văn Kéo, Nguyễn Trọng, Nguyễn Ngọ, Nguyễn Nhật Tân, Võ Văn Nghị, Võ Thanh Liêm, Hố Tấn, Hồ Tới, Trần Văn Nguyện, Từ Kim Đồng,  Nguyễn Văn Chiến, Hoàng Ngọc Khanh, Lê Minh Tính, Đông, Hào, Thuấn, Viên, Trai, Phụng, Dũng “rơ”, Dũng “rọm” và rất nhiều học sinh khác tôi hướng dẫn tốt nghiệp đã từng trao đổi tâm tư tình cảm với tôi trong buổi ban đầu va chạm với cuộc sống… Ôi làm sao kể xiết!

*       *

*

Sau khi đã ổn định công việc ở thành phố HCM, tôi trở lại Huế, vào thăm trường và khoa Lâm nghiệp. Tôi phấn khởi biết dường nào khi thấy cơ ngơi của trường phát triển khá nhanh chóng. Thầy Trần Văn Minh hiệu trưởng và thầy Phan Hòa hiệu phó niềm nở chuyện trò với tôi. Sau đó, tôi đến thăm gia đình thầy Phương, thầy Hùng, thầy Thâm, thầy Quang, thầy Lạc, thầy Dục, thầy Tuấn, thầy Sửu, thầy Thự, thầy Tiến, cô Kinh, cô Hồng, cô Lan… Tất cả đều đã nghỉ hưu, sống an nhiên tự tại ở thành Huế. Tôi rất đỗi vui mừng.

Đội ngũ giảng dạy trẻ “ngày xưa” của khoa Lâm nghiệp bây giờ là những thạc sĩ, tiến sĩ, cán bộ nòng cốt của trường, thầy Dương Viết Tình là người có chức vụ cao nhất trong khoa.

Vào khoảng năm 2001, mặc dầu đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng khi nghe anh Nguyễn Văn Chiến, một học sinh cũ, từng làm lớp phó lớp L2B, ra trường năm 1979 (sau nầy đã tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp), hiện là trưởng phòng nghiên cứu thuộc trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm nghiệp miền Đông Nam bộ, đưa các dòng Keo và Bạch đàn có năng suất cao mới thí nghiệm thành công về trồng thử ở Thừa Thiên Huế. Tôi đã đề nghị anh Chiến mang theo một số giống cây lâm nghiệp đặc trưng ở Nam bộ về cho khoa Lâm nghiệp trường đại học Nông Lâm Huế trồng trên trại Hương Bằng xem thử khả năng sinh trưởng phát triển có tốt không.
Hôm nay ngồi nhìn lại những năm tháng dạy học ở Huế tôi bồi hồi nhớ đến những sinh viên học sinh, những đồng nghiệp, những giảng đường in sâu trong tâm khảm tôi; những hàng cây, giếng nước quen thuộc; những kỷ niệm khó phai và… “Huế Xưa” của tôi. Ngậm ngùi thương tiếc những đồng nghiệp, bạn bè đã thành người thiên cổ. Một số anh chị đã đi vào miền miên viễn khi còn tuổi trung niên. Buồn thay!!!

Tôi xin thắp cho các đồng nghiệp, bạn bè và học sinh thân thương của tôi một nén nhang lòng: thầy Lê Kim Mới, thầy Hồ Tấn Thủ, thầy Tôn Thất Phùng, thầy Đặng Tẻo, thầy Ưng Định, thầy Nguyễn Tâm Đài, thầy Vũ Ngọc Thành (nguyên trưởng khoa Trồng trọt) và anh An (lái xe) đã bị tử nạn trên đường đi công tác tại Phan Rang, thầy Văn, bác Thanh, bác Bé, thầy Trần Hữu Trình, thầy Tả, thầy Ngô Thuận, thầy Nguyễn Văn Vịnh, thầy Võ Lượng, cô Vinh, thầy Nguyễn Viết Thảo, anh Nguyễn Văn Lợi, anh Lê Anh Thọ (T1)… và gần đây nhất là cô Hồ Thị Bích Thoa! Ôi! Chẳng biết còn ai nữa, xin một phút tưởng niệm đến mọi người thân quen nơi cõi vĩnh hằng xa xăm ấy… Ôi, mới đó mà đã 36 năm trôi qua và biết bao nhiêu sự đổi thay trong cuộc đời!

Hiện nay các học trò cũ của tôi đều đã trưởng thành, rất nhiều người đang giữ những chức vụ quan trọng ở tỉnh nhà và các tỉnh lân cận khắp miền trung… Những anh chị rời xa quê hương vào Nam cũng vậy. Bất cứ ở đâu, làm việc gì, đúng hay khác chuyên môn, các anh chị vẫn mãi mãi nhớ về trường Nông Lâm Súc Huế và các thầy cô giáo cũ của mình. Tôi thật sự sung sướng và hãnh diện về những học trò cũ của mình. Còn tôi và bà xã tôi thì đã nghỉ hưu mấy năm rồi, các con tôi đều có gia đình con cái và lập nghiệp ở Sài Gòn. Tôi đã có 7 cháu nội ngoại, đời sống thanh thản, tự tại, hằng ngày vui chơi cùng con cháu hoặc làm thơ, viết văn, chúng tôi đã in nhiều tập thơ và có nhiều bài thơ bài văn đăng trong các ấn phẩm trong và ngoài nước. Nhờ con cái chăm lo, chúng tôi đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới đặc biệt là ở trên đất nước Hoa Kỳ hơn bốn tháng. 

Để kết thúc bài viết này, xin gửi đến quý đồng nghiệp và các môn sinh bài thơ “Nhớ thời dạy học” của tôi sau đây:
           
Nhớ mãi cái thời ghép với ương
Cỏ cây trăm loại ngát mùi hương
Sinh viên trai, gái đều ngoan ngoãn
Đồng nghiệp thầy, cô thật dễ thương
Ngày đến lá, hoa tìm bóng nắng
Đêm về mầm, nụ thở hơi sương
Hai mươi năm trọn bàn tay phấn
Hoàn cảnh đổi thay giã biệt trường

(Dòng thơ lưu niệm, Nxb Văn Nghệ 2006)
Sài Gòn, ngày 21 tháng 12 năm 2008