Tin tức
ĐƯA THÔNG TIN VỀ VÙNG SÂU, VÙNG XA: Còn nhiều việc phải làm
(TTH) - Một trong những thiệt thòi lớn ở vùng sâu, vùng xa là thiếu thông tin. Đảng và Nhà nước luôn có chính sách quan tâm đến việc đưa thông tin về vùng sâu, vùng xa.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2472/QĐ -TTg ngày 28/12/2011 về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN), vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 -2015; tiếp đó, ban hành Quyết định số 1212/QĐ -TTg ngày 05/9/2012 Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở MN, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 – 2015. Các chương trình và chính sách này góp phần rất quan trọng giải quyết nhu cầu bức thiết về thông tin cho cơ sở, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và MN.
Vợ chồng Bác Đặng Văn Nguyên, người có uy tín xã Hồng Thượng, A Lưới đang đọc Báo Thừa Thiên Huế |
Ở tỉnh ta, việc cấp phát không thu tiền các ấn phẩm báo và tạp chí (gọi chung là báo) được thực hiện từ năm 2012. Ban Dân tộc đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý cấp phát không thu tiền Báo Thừa Thiên Huế cho người có uy tín trong các cộng đồng dân cư đồng bào DTTS. Qua hơn 1 năm thực hiện Quyết định 2472/QĐ -TTg và 3 tháng đưa báo Thừa Thiên Huế đến với người có uy tín, người viết bài này có dịp đi thăm 15 xã và một số người có uy tín ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới bước đầu ghi nhận được những ưu điểm chính như:
Tất cả đều nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc cấp phát báo, tạp chí không thu tiền trong góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho cán bộ và nhân dân vùng DTTS và MN; góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các loại báo cấp phát không thu tiền theo Quyết định 2472/QĐ-TTg đều đến tận xã, đủ loại và cấp phát đều. Có 12/15 xã , báo, tạp chí đến kịp thời; 13/15 xã có chuyền đọc trong nội bộ và trong cộng đồng dân cư, song chưa có điều kiện để đánh giá mức độ chuyền đọc. Các xã đều phân công người làm công tác văn thư chịu trách nhiệm nhận và cấp phát báo. Nhiều xã đã có sổ theo dõi nhận và cấp phát báo không thu tiền.
Đối với Báo Thừa Thiên Huế, bưu tá đã cấp phát đủ số lượng cho người có uy tín trong các cộng đồng dân cư người DTTS, song chưa thường xuyên. Bác Quỳnh Phẩm, ở thôn 5, xã Hồng Vân, A Lưới nhận xét: “Từ khi được tỉnh quan tâm cấp báo Thừa Thiên Huế hằng ngày, bác có điều kiện cập nhật thông tin và chuyền cho bà con trong thôn, cho con cháu trong họ tộc đọc và học tập những việc làm hay. Những khi sinh hoạt trong cộng đồng, dòng họ, bác đưa báo cho con cháu đọc cho mọi người cùng nghe, nhất là những bài có nêu gương làm ăn, sản xuất giỏi”. Bác Phạm Xuân Hồi, người có uy tín ở xã Hương Lâm (A Lưới) phấn khởi: “Từ xưa tới nay, chưa có khi mô tôi được cấp báo Đảng đến tận nhà. Thật là quá phấn khởi. Có báo hằng ngày, tôi siêng đọc và trao đổi thông tin cho bà con trong thôn biết”. Cũng với thái độ vui vẻ, phấn khởi, bác Hồ Đăng Thi, ở xã Hương Sơn, huyện Nam Đông cho biết: “Trước đây không có báo, phải đến xã để mượn đọc nhưng thường là báo cũ, nay Báo Thừa Thiên Huế đến tận tay để đọc là ao ước lâu nay của bà con ở thôn bản. Đề nghị nên đưa báo đến hằng ngày để kịp đọc và còn tuyên truyền cho bà con dân bản nữa”.
Về mặt hạn chế, tất cả các xã kiểm tra đều không có phòng và phương tiện để bảo quản, lưu trữ. Tất cả các xã và các đoàn thể đều chưa xây dựng quy chế quản lý, sử dụng báo, tạp chí theo quy định tại điểm c, khoản 8, điều 4, Quyết định 2472/QĐ-TTg. Việc mở sổ theo dõi tuy có thực hiện nhưng còn rất đơn giản và ghi chép chưa khoa học, khó theo dõi, tổng hợp. Theo hợp đồng giữa Ban Dân tộc và Bưu điện tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế được cấp phát hàng ngày đến tay người có uy tín. Tuy nhiên, kiểm tra cho thấy, bưu tá chỉ đưa đến tận tay người có uy tín hàng tuần từ 1 -2 lần (trong lúc báo phát hành hàng ngày).
Để tiếp tục thực hiện tốt Quyết định 2472/QĐ-TTg, nên chăng các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cấp tỉnh thống nhất xây dựng quy chế mẫu sổ theo dõi tiếp nhận, cấp báo cũng như mẫu quy chế quản lý, sử dụng để các xã tham khảo áp dụng? Mặt khác, điều kiện cụ thể của xã vừa gặp khó khăn về phòng lưu trữ, vừa thiếu phương tiện quản lý và lưu trữ báo, tỉnh cần nghiên cứu giúp đỡ các xã, thôn bản có tủ bảo quản và lưu trữ báo, phục vụ tốt người dân trên địa bàn có nhu cầu đọc, trao đổi, nghiên cứu.
Đối với cơ quan cấp phát báo, đây là hoạt động dịch vụ công ích và là nhiệm vụ chính trị của Bưu điện, song để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho bưu tá có thể đưa Báo Thừa Thiên Huế kịp thời đến tay người có uy tín trong cộng đồng dân cư, ở tận các thôn bản, có nơi rất hẻo lánh, phục vụ kịp thời công tác truyền thông báo Đảng đến tận nhân dân, tỉnh cần nghiên cứu xem xét hỗ trợ một khoản chi phí vận chuyển phù hợp!?
Đối với chính quyền địa phương xã và huyện, cần quan tâm công tác kiểm tra việc cấp phát báo không thu tiền, bảo đảm đến đủ, kịp thời và đúng đối tượng thụ hưởng chính sách. Ngoài ra, cần phổ biến rộng rãi nội dung chính sách cấp phát không thu tiền các loại báo theo tinh thần Quyết định 2472/QĐ -TTg, nhất là cho các đối tượng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và thụ hưởng chính sách ở cấp xã.
Có thể khẳng định, chính sách cấp phát không thu tiền một số báo, tạp chí đã thật sự đáp ứng nhu cầu bức thiết của các xã, thôn bản và nhân dân vùng DTTS và MN, vùng sâu và vùng xa. Hy vọng, việc tiếp tục thực hiện chính sách trong tương lai, sau khi đã áp dụng một số biện pháp khắc phục những hạn chế nói trên, sẽ góp phần quan trọng trong việc cung cấp kịp thời, tương đối đầy đủ các thông tin chủ yếu về mọi mặt cho người dân trong các cộng đồng dân cư ở vùng DTTS và MN để nâng cao hơn nữa nhận thức, từng bước thay đổi hành vi có lợi cho chính cuộc sống của đồng bào và góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới.