Ý tưởng
Đưa trí thức trẻ về cơ sở: 8 năm nhìn lại
(TTH) - Năm 2004, huyện A Lưới đưa 10 sinh viên trẻ, người dân tộc thiểu số vừa tốt nghiệp đại học, chủ yếu là kỹ sư lâm nghiệp về làm Phó Chủ tịch UBND (PCT) xã. Trong đó, có 3 nữ; có 5 là người tại chỗ, 5 người còn lại được điều động từ các xã khác. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong cả nước; đã có nhiều bài báo đề cập dưới nhiều góc độ, song đều có chung nhận định đây thực sự là một ý tưởng mang tính đột phá trong công tác cán bộ ở cấp cơ sở.
Tám năm đã trôi qua, chúng ta thử nhìn lại kết quả của việc thực hiện ý tưởng táo bạo này.
Về phương diện đào tạo, ngay sau khi được UBND huyện phê chuẩn kết quả bầu PCT xã, các kỹ sư trẻ đã được tập huấn 1 tháng về công tác quản lý hành chính Nhà nước và phương pháp công tác ở cấp xã, thôn bản. Đến nay, tất cả các PCT xã đều đã được đào tạo trình độ trung hoặc cao cấp về chính trị và hành chính. Một số được đào tạo thêm về ngoại ngữ, tin học,...
Tác giả và 4 trí thức trẻ về xã |
Về phương diện chính trị, tất cả đã được kết nạp Đảng. Một trường hợp được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện, 6 trường hợp tham gia Ban chấp hành Đảng bộ xã, trong đó có 1 là Thường vụ Đảng uỷ, 2 là Phó Bí thư Đảng ủy.
Về vai trò và vị trí công tác, có 3 trường hợp thăng tiến đều là người của địa phương xã: Cô Hồ Thị Hiền, PCT thị trấn A Lưới được bầu vào Huyện ủy và giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân huyện; anh Nguyễn Văn Đời (xã Hồng Thượng) và cô Hồ Thị Môn (xã Hồng Kim) được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã. Có 4 trường hợp giữ nguyên vị trí công tác chính quyền, nhưng có vai trò quan trọng trong đảng ủy và chính quyền xã, trong đó chỉ có 1 trường hợp là người của địa phương xã, đó là các anh Hồ A Lua (người tại chỗ xã A Roàng), Hồ Văn Tâm từ Hồng Thượng về Hương Nguyên, Lê Văn Nghiếu từ xã Bắc Sơn đến Hồng Trung, chị Hồ Thị Thắng từ xã A Ngo đến xã Hồng Bắc.
Các cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và huyện nhìn chung đều đánh giá cao năng lực chuyên môn, nhất là quản lý hành chính và công nghệ thông tin, sự tiếp thu nhanh, tinh thần trách nhiệm cao, ham học hỏi của các trí thức trẻ về làm PCT xã. Người viết bài này có nhiều dịp tiếp xúc với các PCT xã nói trên thông qua gặp gỡ trực tiếp hoặc qua thư điện tử và đặc biệt gần đây qua phiếu phỏng vấn, tất cả đều thể hiện sự hài lòng đối với công việc được giao và cho rằng, thông qua hoạt động thực tiễn, mỗi người đã “lớn lên” rất nhiều. Tất cả đều nhận được sự tin tưởng, hợp tác trong công việc của cộng sự và cấp dưới. Trừ 1 trường hợp cá biệt, 9 người còn lại đều cho rằng luôn được cấp trên tin tưởng vào năng lực và giao việc; thậm chí rất nhiều việc, có việc ngoài chuyên môn và kinh nghiệm công tác như vận động dân trong giải phóng mặt bằng hay công tác hòa giải,... Đáng ghi nhận là, tất cả các trường hợp được phỏng vấn đều mong muốn được cấp trên quan tâm cho tiếp tục theo học các lớp như chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ,... để nâng cao trình độ bản thân; điều đó cho thấy ý thức học tập để vươn lên, không thỏa mãn với vốn kiến thức sẵn có của họ.
Nhìn lại kết quả làm việc và phấn đấu rèn luyện của 10 trí thức trẻ trong 8 năm qua, là người thường xuyên theo dõi “bước đi” của họ, người viết bài này có thể rút ra những nhận xét như sau:
Xét về 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hoà”, cả 10 người đều có được yếu tố “địa lợi”. Do tất cả là cán bộ có trình độ đại học, với chuyên ngành chính là nông lâm nghiệp nên có “đất” để thi thố năng lực chuyên môn, trong bối cảnh kinh tế ở cấp xã chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp. Song, xét theo 2 yếu tố “thiên thời và nhân hoà” thì mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau.
Ba trường hợp thành công và được đề bạt, xét về phương diện chủ quan, thông qua thực tiễn họ đã nỗ lực phấn đấu để tự khẳng định bản thân mình, đóng vai trò quyết định (nỗ lực để bồi bổ thêm “nhân hoà”). Xét về phương diện khách quan, các trường hợp này đều là người địa phương nên họ nhận được sự quan tâm và đồng thuận nhiều hơn của cấp ủy và chính quyền xã sở tại (được “nhân hoà”); và trong bối cảnh ở đó đang thiếu cán bộ chủ chốt (có “thiên thời”). Như vậy, cả 3 trường hợp được đề bạt chức vụ cao hơn đều đạt 3 yếu tố “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
4 trường hợp giữ nguyên vị trí và có vai trò ngày càng lớn hơn trong tập thể lãnh đạo, xét về phương diện chủ quan, thông qua thực tiễn, họ cũng có những nỗ lực rất lớn, không kém gì những người bạn thành công hơn để khẳng định bản thân mình (cũng rất nỗ lực để bồi bổ thêm “nhân hoà”). Song họ lại gặp những trở ngại khách quan tự mình không thể khắc phục, được như bản thân không phải là người sở tại nên thiếu sự ủng hộ cao trong tập thể lãnh đạo, không được xem là đối tượng ưu tiên lựa chọn (gặp khó về “nhân hòa”), cho dù trong thực tế xã đó đang khủng hoảng cán bộ chủ chốt (có “thiên thời”). Có 1 trường hợp tuy là người địa phương, được bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy xã (được “nhân hoà”), song tại thời điểm này, địa phương chưa có nhu cầu tăng cường cán bộ chủ chốt (thiếu “thiên thời”).
Đối với 2 trường hợp chuyển sang công tác khác có vai trò và vị trí thấp hơn, xét về phương diện chủ quan, sự nỗ lực phấn đấu của từng người có những hạn chế nhất định là nguyên nhân chính; bên cạnh đó, xét về phương diện khách quan, sự hỗ trợ giúp đỡ của những người cộng sự, nhất là cấp trên trực triếp chưa quan tâm đầy đủ. Đối với trường hợp phải thôi việc rõ ràng là do bản thân kém rèn luyện và tu dưỡng. Cả 3 trường hợp này, cho dù có 2 hay cả 3 yếu tố “thiên, địa, nhân” cũng khó có thể thành công, nếu bản thân từng người cụ thể không tự mình rèn luyện và khắc phục những khó khăn, trở ngại để nỗ lực vươn lên.
Có thể khẳng định, sự nỗ lực phấn đấu và rèn luyện bản thân từng người có vai trò quyết định. Song, sự hỗ trợ giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là những người “đi trước” có kinh nghiệm đóng vai trò rất quan trọng trong sự trưởng thành của họ. Có thể ví như chúng ta trồng cây trong vườn, tất nhiên trong 10 cây cũng có vài cây phát triển kém do chất lượng giống thấp hoặc do trồng ở vị trí không thuận lợi để phát triển; song nếu người làm vườn thường xuyên quan tâm ưu tiên chăm bón những cây phát triển kém thì những cây đó có thể dần dần vươn lên làm cho cả vườn cây đồng đều hơn. Trong bối cảnh quản lý hiện nay, việc những cán bộ tuy đã trưởng thành, song không thể cân nhắc bố trí ở những vị trí cao hơn ở xã, nhất là những người không phải là người tại chỗ, nên chăng, huyện cần xem xét tạo điều kiện chuyển sang các vị trí tương đương trong môi trường công tác chuyên môn phù hợp ở các phòng, ban cấp huyện!?
Việc đưa trí thức trẻ về xã làm PCT không chỉ là mô hình riêng, ban đầu của A Lưới, kể từ năm 2010, ý tưởng này đã trở thành một chủ trương thuộc tầm quốc gia. Ở tỉnh ta, tuy không có huyện thuộc diện nằm trong Đề án của Chính phủ đưa 600 trí thức trẻ về làm PCT xã; song chất lượng cán bộ chủ chốt cấp xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn đang còn hạn chế, như có huyện, đến nay, cán bộ có trình độ đại học chuyên môn ở cấp xã chiếm dưới 15%, trình độ chính trị cao cấp dưới 10%, tốt nghiệp trung học phổ thông dưới 52%, chưa đào tạo về chuyên môn gần 65% và có đến 31% cán bộ trên 50 tuổi, trong 1 -2 nhiệm kỳ tới phải có cán bộ trẻ thay thế. Vì vậy, rất mong tỉnh và huyện quan tâm khảo sát đầy đủ, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng hơn nữa mô hình này nhằm tăng cường cán bộ trẻ, có trình độ đại học cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cấp xã, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy nhanh sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ta.