Cây cao su bắt đầu được đầu tư cho các hộ nông dân gây trồng đại trà ở tỉnh ta vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước từ nguồn vốn vay không lãi theo Quyết định số 327/CT ngày 15/9/1992 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước( gọi tắt là chương trình 327). Do có nhiều ý kiến tranh cãi về hiệu quả của việc trồng cao su để lấy mủ nên mục tiêu khiêm tốn ban đầu được đặt ra là trồng với mục tiêu chính là phủ xanh đất trống đồi trọc kết hợp lấy gỗ và lấy mủ. Tuy nhiên chỉ sau 7 năm trồng, nhiều nơi cao su đã cho thu hoạch mủ mang lại thu nhập cao cho hàng ngàn hộ dân trồng cao su sinh sống ở vùng trung du và miền núi; nhiều hộ dân thu nhập từ thu hoạch mủ cao su từ năm chục đến trăm triệu đồng/ha/ năm. Hiệu quả kinh tế của cây cao su đã nhanh chóng thu hút hàng ngàn hộ dân đăng ký trồng cao su. Đúng vào thời điểm khẳng định hiệu quả của trồng cao su, tỉnh ta may mắn được Dự án đa dạng hóa nông nghiệp đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới kéo dài từ năm 2000 đến năm 2008 qua 2 giai đoạn. Khoảng 8.000 hộ nông dân được giao đất, cấp sổ đỏ và trồng gần 9.000 ha cao su trên toàn tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Chương trình 327 và Dự án đa dạng hóa nông nghiệp.
|
Rừng cao su ở Hương Sơn - Nam Đông. Ảnh: Diên Thống
|
Việc các huyện miền núi tiếp tục mở rộng quy mô gây trồng cây cao su đã khẳng định về thực tế hiệu quả kinh tế của nó, bất chấp cơn bão số 6 (Xangsane) năm 2006 đã từng gây tàn phá nặng nề rừng cao su ở huyện Nam Đông. Từ sau cơn bão nói trên, không tính đến những rủi ro về giá cả, thị trường, người dân trồng cao su, ngành chuyên môn và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thật sự đối mặt với rủi ro lớn cho cây cao su khi bị bão lớn tàn phá. Đáng tiếc là, ngay sau đó, chúng ta chưa thật sự quan tâm đúng mức về mặt chuyên môn để tổ chức các hội thảo, các hoạt động nghiên cứu hiện trường nhằm tìm kiếm giải pháp cho việc tiếp tục phát triển cao su trong bối cảnh tỉnh ta nói riêng và miền Trung nói chung thường xuyên bị bão đe dọa. Do vốn đầu tư cho cao su rất lớn (tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng/ ha/7 năm thời kỳ kiến thiết cơ bản) nên khi gặp rủi ro này, người dân trồng cao su có nguy cơ trắng tay dẫn đến tái nghèo và nợ nần chồng chất. Gần đây nhất là cơn bão số 12 năm nay đã gây thiệt hại hàng trăm ha cao su đang trong thời kỳ lấy mủ. Tình trạng biến đổi khí hậu có nguy cơ tần suất bão lớn xẩy ra thường xuyên hơn, dẫn đến rủi ro cho cây cao su lớn hơn. Vì vậy, chúng ta phải thật sự đối mặt với tình trạng này và tìm kiếm giải pháp khả dụng để bảo vệ rừng cao su trước nguy cơ gió bão đe dọa. Là người công tác ở lĩnh vực dân tộc và miền núi, tôi có dịp tiếp cận với một số bà con trồng cao su bị thiệt hại sau bão ở các xã miền núi. Tâm tư của bà con vẫn “ phóng lao phải theo lao”, tiếp tục tìm cách để khôi phục và trồng mới cây cao su nhằm hy vọng được “ đổi đời” nhờ cao su, bất chấp rủi ro do gió bão đe dọa hàng năm .
Có dịp đi thăm các lô rừng cao su trên địa bàn tỉnh ta, hầu như không tìm thấy đai rừng chắn gió cho cao su. Mặc dù, nhiều quy trình kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn hoặc hồ sơ thiết kế trồng cao su đã khuyến cáo gây trồng hàng cây chắn gió ở những nơi có gió lớn. Tiếp xúc với bà con trồng cao su bị thiệt hại do bão, ai cũng nói giá như có đai rừng chắn gió thì đỡ biết mấy!
Thấy rõ tác dụng và hiệu quả của đai rừng chắn gió cho cây cao su, song không dễ dàng để thực hiện. Việc trồng đai rừng chắn gió cần phải xác định các yêu cầu kỹ thuật như cây chắn gió là cây gì, trồng thuần loài hay hỗn giao, đai rộng bao nhiêu, khoảng cách giữa cây và hàng trong đai chắn gió và hướng đai,... đòi hỏi phải có thiết kế và hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn. Mặt khác, không chỉ khuyến cáo mà phải đưa nội dung trồng đai rừng chắn gió vào quy phạm, quy trình kỹ thuật bắt buộc mọi đối tượng gây trồng cao su phải thực hiện. Trong việc gây trồng đai chắn gió, nên chăng, cần hết sức chú ý các loại tre, mây ở những nơi có điều kiện!? Tre, mây có thể kết hợp trồng thuần loài hay hỗn giao với cây trồng chắn gió khác. Tre, mây phát triển thành bụi thường đan kín trong phạm vi 2- 3 mét từ mặt đất lên; thân tre mây chống chịu gió bão rất tốt. Không chỉ đối với cây cao su, ở những làng vùng ven biển cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng tre ven đường; tre, mây ven vườn vừa chắn gió tốt, vừa tạo vùng nguyên liệu để phát triển nghề mây tre đan, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
Về mặt giống, thật sự giật mình khi sáng 14/11/2013, tại Văn phòng UBND tỉnh, người viết bài này tham dự cuộc họp thông qua Đề án phát triển cây cao su của huyện A Lưới thấy huyện đề xuất tiếp tục chọn giống PB260 là loại giống khả năng chống chịu gió bão kém hiện đang trồng phổ biến ở tỉnh ta; trong lúc đó, nhiều chuyên gia đầu ngành đã khuyến cáo khu vực miền Trung nên chọn các giống chống chịu tốt gió bão như RRIM 712, RRIM 600, GT1,... Nên chăng, ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm trồng cao su của các tỉnh miền trung hoặc trồng thử nghiệm để quyết định lựa chọn giống cao su chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu thường xuyên bị gió bão của Thừa Thiên Huế!?
Để giúp cho người dân tiếp tục trồng cao su có hiệu quả, mong ngành Nông nghiệp &PTNT tỉnh sớm nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh quyết định ban hành quy trình kỹ thuật trồng cao su trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định cụ thể kỹ thuật trồng đai rừng chắn gió cho cao su nhằm giúp bà con nông dân phòng chống có hiệu quả và hạn chế thiệt hại rủi ro do gió bão gây ra.